Lạp xưởng
Nguyên liệu:
- 600gr thịt nạc vai
- 150gr mỡ thịt - 30gr đường trắng - 10gr muối - 1 muỗng canh nước tương ngon - 1 muỗng canh rượu mai quế lộ (rượu thơm).
- 1 muỗng cà phê gia vị
- 150gr lòng non lợn
Bạn có thể tự làm rượu mai quế lộ để làm xưởng như sau: 10 cánh hoa hồi, 50g quế, 20g đinh hương. Tất cả rang thơm. Cho hoa hồi, quế, đinh hương vào hũ thủy tinh, đổ 1 lít rượu trắng vào ngâm từ hai tuần trở lên là dùng được.
Cách làm:
Thịt heo rửa sạch với nước muối, gói trong khăn sạch, cắt khối vuông nhỏ (hạt lựu).
Mỡ cắt như thịt, ướp với đường, phơi nắng cho trong. Trộn thịt, mỡ với gia vị: muối, nước tương, rượu mai quế lộ, gia vị, đường. Ướp khoảng 3 tiếng cho thật thấm gia vị. Trong quá trình ướp nên đảo cho gia vị thấm đều.
Rửa lòng non với rượu trắng, vớt ra ngay.
Ở đây mình dùng một vỏ chai, cắt phần đầu chai, buộc đoạn đầu lòng vào miệng chai rồi gút chặt bằng chiếc nắp chai đã được đục thủng nên việc nhồi thịt và mỡ vào lòng non rất đơn giản. Nhồi hỗn hợp thịt - mỡ vào lòng non, khoảng 10cm thì bắt đầu buộc thắt lại, nhồi tiếp cho đến khi hết.
Đun một nồi nước thật sôi, cho một ít rượu trắng vào nồi, thả lạp xưởng vào nồi, đảo và vớt ra ngay, để thật ráo.
Dùng kim châm vào cây lạp xưởng, sau đó treo lên cho thoáng, có nắng để ráo, thỉnh thoảng trở đều. Khi thấy khô là được, khoảng 3-5 ngày tùy nắng nhiều hay ít.
Khi lạp xưởng khô, gói vào giấy thấm dầu cho vào tủ lạnh, hay treo nơi thoáng mát, dùng được lâu.
Khi dùng tới lạp xưởng, chỉ việc luộc chín rồi vớt ra, lăn trên chảo không dính để lạp xưởng vàng và không đọng dầu chiên. Gia vị nêm nếm trên còn tùy thuộc vào độ mặn ngọt của khẩu vị từng người.
Bì heo chiên giòn tẩm gia vị
Nguyên liệu:
- 300g bì heo
- Gia vị: muối, đường, ớt bột, gia vị tùy theo khẩu vị
Cách làm:
- Bì heo chọn miếng mỏng, cạo thật sạch lông, bóp qua muối cho sạch.
- Luộc bì cùng với một chút muối và gừng, đến khi bì chuyển màu vàng trong, tắt bếp.
- Vớt bì heo vào tô nước lạnh để không bị thâm.
- Để bì ráo nước, dùng dao sắc nạo sạch lớp mỡ còn sót lại trên bì. Cắt bì thành từng miếng nhỏ cỡ 2x2 cm
- Xếp bì heo ra mâm, phơi ngoài nắng to để cho bì se và khô lại.
- Đun dầu sôi thật già, thả bì vào thành từng mẻ nhỏ chiên đến khi bì heo phồng hết.
- Pha hỗn hợp gia vị gồm 1 bột canh, 1 đường, 1 thìa ớt bột, xóc đều cùng bì heo đã chiên. Bảo quản trong hộp kín, dùng dần.
Ba chỉ một nắng
Nguyên liệu:
- 2 miếng thịt ba rọi heo (thịt ba chỉ) - 1 củ tỏi; 2-3 cây sả; 1-2 quả ớt; 1 thìa ngũ vị hương; 1 chút bột ngọt hoặc bột nêm; 1 chút đường; 1 thìa ớt bột; 1 chút hạt tiêu
Cách làm:
Thịt ba chỉ cạo sạch phần bì, rửa sạch sẽ sau đó thấm khô rồi thái thịt thành miếng dày cỡ 2cm.
Sả, ớt rửa sạch rồi đập dập và băm nhuyễn, tỏi băm nhỏ. Các gia vị còn lại cho vào 1 cái bát và trộn đều lên. Cho thịt ba chỉ vào 1 cái tô to sau đó cho tất cả các nguyên liệu vào.
Đeo bao tay và xoa bóp đều khắp 2 mặt thịt cho thịt thấm đều gia vị, ướp khoảng 20-30 phút.
Thịt sau khi đã ướp thì trải thịt ra 1 cái khay, dàn đều và đem phơi nắng. Nếu nắng to bạn phơi 1 ngày là được, nắng nhỏ thì phơi khoảng 2 ngày cho miếng thịt săn lại, hơi khô mà không bị khô quá. Miếng thịt ba rọi một nắng chắc lại là có thể đem nướng hoặc chiên đều rất thơm ngon.
Nếu chưa sử dụng ba rọi một nắng ngay, bạn có thể đem cất ngăn đá bảo quản dùng dần.
Cá thu một nắng
Cá thu sau khi làm sạch, cắt bỏ đầu, đuôi, phần thân đem cắt khúc khoảng 1-1,5cm cỡ đốt ngón tay út là được. Pha nước muối loãng rồi ngâm ngập các khúc cá thu trong dung dịch khoảng 30 phút.
Chọn chỗ có ánh nắng nguyên ngày, tốt nhất là sân thượng vì nơi này vừa sạch, lại nắng to thêm hơi nóng hầm hập phả ra từ sàn bê tông là quá chuẩn. Phơi đúng 1 nắng già (nắng to, nắng gắt) từ sáng tới chiều là ta đã hoàn thành món cá một nắng ngon tuyệt.
Bảo quản cá thu một nắng trong tủ lạnh rồi dùng dần.
Cà muối
Nguyên liệu:
- Cà pháo: 500g
- Riềng: 1 củ - Tỏi: 1 củ - Ớt: 1-2 quả - Muối: 1 ít - Đường: 1 ít - Nước lọc - Âu đựng
Cách làm:
Cà pháo mua về phơi nắng khoảng 2 tiếng cho cà héo đi. Cắt bỏ phần cuống, rửa sạch, ngâm cà vào chậu nước có pha chút muối.
Riềng, tỏi rửa sạch, dùng cối, chày giã cho thơm. Đun một ít nước sôi để nguội chừng 30 độ, hòa khoảng 1 lít nước cùng 1 thìa đường, 3 thìa muối lần lượt xếp cà pháo vào âu. Cho thêm ớt, riềng, tỏi vào trộn đều. Dùng đĩa nhỏ nén cà lại, đặt một vật nặng lên và đậy nắp lại.
Với cách này chỉ khoảng 2 - 3 ngày sau bạn có thể ăn cà được rồi. Mùa hè ăn cà pháo với với canh chua là ngon nhất đấy!
Tự muối cà pháo thật không khó phải không. Từng miếng cà giòn giòn ăn cùng cơm canh thì thật tuyệt.
Lưu ý:
- Bạn chỉ nên muối cà mỗi lần 1kg, ăn hết lại muối tiếp, không nên để cà quá lâu trong hũ nước cà bị nổi váng trắng ăn không tốt.
- Hũ, âu muối cà cần được rửa sạch sẽ, để khô ráo trước khi muối cà để tránh việc cà bị màng.
- Cà cần phơi qua cho héo bớt sẽ giòn, ngon.
- Cần nén cà để cà chìm xuống dưới mặt nước, nếu không cà nổi lên trên sẽ bị thâm đen và ủng.
Dưa cải muối chua
Nguyên liệu:
- 1-2 cây cải bẹ
- Vài củ hành tím - 1 lít nước - 1 thìa muối - 2 thìa đường - 2 thìa giấm - 1 ít ớt nếu thích ăn cay
Cách làm:
Dưa cải bẹ phơi nắng cho héo bớt rồi đem rửa sạch sau đó cắt khúc vừa ăn, hành tím thái lát mỏng. Cho nước, đường, muối, giấm vào nồi khuấy đều cho tan đường rồi đun sôi và để nguội.
Cho dưa, hành tím vào hũ thủy tinh sạch sau đó đổ nước giấm đường đã để nguội vào, ấn nhẹ cho dưa chìm trong nước. Đậy nắp hũ và để khoảng 1-2 ngày là dưa chua vàng, nếu chưa ăn ngay bạn cho dưa vào tủ lạnh ăn dần sẽ không bị chua quá.
Dưa cải muối chua có thể ăn trực tiếp để giảm ngán cho bữa ăn ngày Tết hoặc đem kho cá, kho thịt, nấu canh... đều rất ngon.