Năng lực - yếu tố quyết định trong chọn nghề

GD&TĐ - Trong thời đại 4.0, việc sở hữu kinh nghiệm cũng như tay nghề cao sẽ thu hút nhà tuyển dụng.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội được thực hành sớm tại doanh nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội được thực hành sớm tại doanh nghiệp.

Để giúp các em học sinh có thêm góc nhìn lựa chọn nghề nghiệp, Báo GD&TĐ đã phỏng vấn TS Đồng Trung Chính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội.

Rõ điểm mạnh, sở thích cá nhân

- Thưa ông, trước khi đưa ra quyết định lựa chọn trường, ngành để có được môi trường học tập phù hợp, học sinh và phụ huynh cần lưu ý những gì?

- Trước tiên, phụ huynh cần lưu ý khả năng học tập, năng khiếu sở thích của con. Học sinh cần quan tâm, tìm hiểu về yêu cầu, cơ hội việc làm của ngành mình dự định chọn. Đặc biệt, những ngành các em yêu thích, nhưng cơ hội việc làm, phát triển sự nghiệp hạn chế nên xem xét kỹ.

Đối với phụ huynh hãy cùng con tìm hiểu thông tin về các trường được lựa chọn trong “tầm ngắm”; chương trình học và triển vọng nghề nghiệp; lắng nghe những nhu cầu, ước mơ, kế hoạch tương lai của con. Cha mẹ không nên ép buộc con theo hướng mà con không quan tâm. Nên cùng con tham gia các buổi tham quan trường, tư vấn nghề nghiệp để có cái nhìn toàn diện về lựa chọn ngành nghề.

- Có rất nhiều ngành, nghề để lựa chọn, làm thế nào để giúp các em có một định hướng chính xác, thưa ông?

- Hãy căn cứ vào năng lực của mình để lựa chọn lĩnh vực phù hợp. Các nhóm năng lực tương ứng với lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, chúng ta phải biết mình có năng lực, kĩ năng gì. Từ đó, có thể nắm được những nghề nghiệp nào mình làm được. Trên cơ sở xác định được nhóm nghề phù hợp với năng lực, tìm ra nghề mình thích nhất để lựa chọn học tập.

Chẳng hạn, bản thân có khả năng làm việc liên quan sửa chữa, lắp ráp, vận hành thiết bị máy móc thì chúng ta làm tốt công việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, công nghệ thông tin, sản xuất trực tiếp… Đồng thời, có thể làm các công việc liên quan đến hành chính, an ninh, tòa án, quân đội…

Có năng lực tư duy logic, học giỏi toán thì chọn nghiên cứu, giáo dục, y học, công nghệ, thương mại, tài chính, đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nếu có năng lực giao tiếp ngôn ngữ thì chọn dịch vụ truyền thông, du lịch, thương mại, tài chính.

Nguyên tắc cuối cùng, các em chỉ nên chọn nghề mong muốn khi cảm thấy bản thân đã có đủ năng lực và đam mê.

TS Đồng Trung Chính.

TS Đồng Trung Chính.

Tay nghề vững tương lai sẽ tốt đẹp

- Nhiều học sinh ngày càng nhận thấy lợi ích của việc học trung cấp hoặc cao đẳng nghề. Ông hãy cho biết ưu điểm của lựa chọn này?

- Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi việc học nghề đang khá phổ biến và được khuyến khích nhằm phân luồng nguồn nhân lực, cân bằng nhu cầu xã hội cũng như đảm bảo bài toán kinh tế.

Học nghề, cái lợi thế dễ thấy nhất là học nhanh, đi làm được ngay, thời gian đào tạo ngắn, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Người học có thể tham gia vào thị trường lao động sớm, có thu nhập ổn định và tiếp tục học cao lên nếu có nhu cầu. Khi đã nắm vững công việc thực tế, những kiến thức sẽ dễ dàng tiếp thu hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.

Thực tế cho thấy, các nhà tuyển dụng nay đã không còn coi trọng bằng đại học hay cao đẳng mà chủ yếu yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng và tác phong, thái độ làm việc. Tức năng lực thực sự mới là yếu tố quyết định đến việc ứng viên đó có được lựa chọn hay không chứ không phải tấm bằng.

- Thưa ông, học sinh theo học các trường nghề được thực tập tại các doanh nghiệp từ sớm có những thuận lợi gì trong hành trang của mình?

- Thực tập sớm tại các doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên cập nhật kiến thức thực tế, có cái nhìn cận cảnh hơn về môi trường làm việc trong tương lai. Hoạt động này ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng.

Trong quá trình thực tập, sinh viên có cơ hội lắng nghe chia sẻ về các kỹ năng; vị trí công việc và mô hình tổ chức phòng ban tại công ty; cơ hội nghề nghiệp; kinh nghiệm làm việc; các tiêu chí tuyển dụng doanh nghiệp cần ở ứng viên, các chia sẻ của quá trình làm việc của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên còn hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp, quan sát cách bài trí, không gian làm việc chuyên nghiệp. Từ đó, sinh viên nắm được tiêu chí tuyển chọn nhân sự của của các doanh nghiệp để phần nào tự đánh giá được khả năng của bản thân và chủ động cải thiện năng lực.

Những chuyến thực tập như vậy không chỉ giúp sinh viên nâng cao về kiến thức và kỹ năng, mà quan trọng hơn hết là sinh viên có thể định hình được thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp trong học tập cũng như công việc để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.