Trong xu thế hiện nay, người học quan tâm đến cơ hội việc làm, mức lương sau khi tốt nghiệp; còn nhà tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp.
Chọn nghề đúng sở trường
Theo các chuyên gia giáo dục, để chọn đúng ngành nghề, các em học sinh nên dựa trên năng lực, sở trường, đam mê. Vì lựa chọn đó, không chỉ giúp các em phát huy năng lực một cách tốt nhất mà còn phát huy được sở trường, đam mê, khi giỏi trong chuyên môn các em mới có cơ hội thăng tiến, thu nhập cao cho tương lai vững chắc.
Hào hứng với môn học Thực hành nghề điện, em Lê Tiến Đoàn (Ý Yên, Nam Định) sinh viên năm thứ nhất chia sẻ lý do chọn học trường nghề: “Lựa chọn học nghề của em trước tiên là vì đam mê. Một phần, em chọn trường nghề còn do khả năng kinh tế của gia đình. Nghề điện là đam mê từ nhỏ của em nên em quyết định theo học nghề điện. Theo tìm hiểu của em thì học ngành này sau khi ra trường rất dễ xin việc, tỷ lệ có việc làm cao”.
Em Nguyễn Bách Quân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, em có định hướng học nghề từ năm lớp 8. Biết năng lực của mình nên chọn hướng đi này để bản thân không áp lực thi cử. Quân cũng rất may mắn khi được bố mẹ chấp nhận và ủng hộ.
Bà Hà Huệ Minh, mẹ em Nguyễn Bách Quân chia sẻ: Nhà có hai con trai, con trai đầu cũng đã chọn học trường nghề sau khi kết thúc chương trình THCS, hiện đã ra trường, đi làm được 4 năm.
“Có con trai đầu làm ví dụ nên với lựa chọn của con trai thứ gia đình rất ủng hộ. Gia đình không quá xem trọng việc con học trường nào. Chúng tôi chỉ quan tâm cháu làm được gì sau mấy năm nữa. Nếu cháu có năng lực vẫn có thể học lên như bình thường”, bà Minh nêu quan điểm.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhìn nhận, những nỗ lực và kết quả của giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi nhận thức của cả phụ huynh và học sinh. Để thay đổi được nhận thức của phụ huynh và học sinh thì các trường nghề đã chứng minh được chất lượng những khóa học sinh viên ra trường có việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn.
“Chúng tôi không quan niệm cứ gọi là trường chất lượng cao thì chất lượng cao. Chúng tôi quan niệm chất lượng nhà trường phải để xã hội đánh giá, doanh nghiệp đánh giá, người học đánh giá và phụ huynh thừa nhận.
Để làm được tốt việc đó thì chúng tôi xác định rõ trên tinh thần phục vụ, xây dựng một nhà trường phục vụ, một nhà trường linh hoạt và mở, đào tạo linh hoạt theo nhu cầu. Mở ở đây là lúc nào cũng chào đón doanh nghiệp tham gia cùng, mời chào thí sinh nào muốn học nghề. Chúng tôi sẽ đào tạo và cam kết không để sinh viên thất nghiệp”, ông Ngọc cho biết.
Ảnh minh họa ITN. |
Chú trọng đào tạo tay nghề
Một điểm khác biệt lớn của chương trình đào tạo nghề đó là các trường trung cấp, cao đẳng hiện nay đều theo hướng 30 - 40% lý thuyết, 60 - 70% thực hành. Hầu hết các trường nghề đều chủ động liên kết với các doanh nghiệp về việc đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên.
Các doanh nghiệp không chỉ tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn tham gia cùng đào tạo học viên, góp phần điều chỉnh chương trình đào tạo của nhà trường. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
Nguyễn Thành Nam (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, rất mê nghề công nghệ thông tin trong khi học các môn văn hóa ở trường với khối lượng nhiều và nặng khiến em cảm thấy quá sức. Vì vậy, khi giáo viên chủ nhiệm lớp 12 gợi mở, em đã chủ động cùng bố đến trường để được tư vấn, tìm hiểu kỹ càng về chương trình đào tạo, hướng đi sau khi tốt nghiệp…
“Sau hơn 1 năm theo học tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Tuyên Quang, em cảm thấy đây đúng là sự lựa chọn sáng suốt khi học nghề mình thích, được thực học, thực hành, thực nghiệp sớm”, Nam cho biết.
Tại Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xác định tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ nhiều năm nay, trường đã có các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp. Nội dung hợp tác tập trung vào giải quyết việc làm cho học sinh cũng như bảo đảm chỗ thực hành, thực tập đối với các mã ngành trọng điểm của nhà trường có liên quan là chăm sóc sắc đẹp, pha chế đồ uống và làm bánh.
“Sau khi ra trường, doanh nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho toàn bộ sinh viên của nhà trường. Hiện ngành nghề tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất là chăm sóc sắc đẹp, mức lương nếu đi làm nhân viên từ 8 - 15 triệu đồng/tháng, ăn theo sản phẩm. Ngoài ra, các em khi học xong chuyên ngành của nhà trường cũng có thể về tự mở cửa hàng về làm tóc, trang điểm, làm nail…”, ông Nguyễn Trọng Tiến chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Bích Xuân, chuyên viên đào tạo tuyển dụng của Công ty dịch vụ Vera đánh giá cao sinh viên tốt nghiệp trường nghề. Chuyên viên này thông tin, công ty bà làm việc rất quan tâm đến nhóm lao động này khi bước vào thị trường lao động.
Thông thường ứng viên từ các trường nghề, đặc biệt liên quan đến chuyên ngành đào tạo về dịch vụ rất được nhà tuyển dụng tìm kiếm vì phù hợp cho doanh nghiệp. Việc ứng viên có quá trình thực hành kỹ năng nghề, am hiểu văn hóa ngành dịch vụ sẽ là một điểm cộng lớn cho doanh nghiệp trong quá trình đào tạo sau này.
Vì vậy, theo bà Xuân, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp sẵn từ khi các em học sinh đang học cấp 3, thậm chí cấp 2 là rất cần thiết.