Nâng điểm chuẩn, đánh trượt: Mấu chốt là quyền lợi của thí sinh

GD&TĐ - Câu chuyện về một số trường ĐH “cố tình” đẩy điểm chuẩn đầu vào lên cao để đánh trượt thí sinh nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xã hội. Không bàn đến chuyện đúng, sai, nhưng các chuyên gia cũng có những góc nhìn riêng về vấn đề này.

Tư vấn tuyển sinh cho thí sinh tại Ngày hội đăng ký xét tuyển ĐH. Ảnh: Sỹ Điền
Tư vấn tuyển sinh cho thí sinh tại Ngày hội đăng ký xét tuyển ĐH. Ảnh: Sỹ Điền

Bên lý, bên tình

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), đối với một số trường đẩy điểm chuẩn lên cao khiến thí sinh bị trượt, xét về mặt căn cứ pháp lý thì nhà trường không vi phạm. Tuy nhiên, xét ở góc độ tâm lý xã hội thì không ổn. Bởi đó không phải là những ngành “hot” để nhà trường đặt ra điểm chuẩn cao khiến thí sinh bị trượt. Đối với thí sinh, ít nhiều các em cũng bị tâm lý là trượt ĐH. Nếu vì lý do quá ít thí sinh, không thể mở lớp thì nhà trường cần nói rõ để các em thông cảm. Cùng với đó phải tìm giải pháp tháo gỡ.

Những năm trước đây, có trường ĐH giải quyết rất nhân văn. Họ thẳng thắn nói ra thực trạng tuyển sinh để thí sinh cảm thông và chuyển sang ngành đào tạo khác của trường. Cũng có trường ĐH thương lượng với các trường khác để cùng đào tạo.

 

Không nên có suy nghĩ: Vì xã hội có xu hướng học cao học, tiến sĩ nhiều hơn và vì trường không tuyển sinh được hệ ĐH mà chuyển sang đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để “vớt váng”.

 
PGS Hoàng Văn Cường

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên, không hoàn toàn từ phía nhà trường. Riêng về khối sư phạm nên có cơ chế đặt hàng đào tạo để thí sinh yên tâm khi vào học, ra trường sẽ có việc làm, giống như các trường khối quân đội, công an. Vì sao các trường này thu hút được thí sinh? Là do sau khi tốt nghiệp, sinh viên ra trường chắc chắn có việc làm, thậm chí có mức lương ưu tiên.

Còn theo GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT): Xét ở góc độ tự chủ, các trường có quyền không mở lớp. Nếu chỉ 1 - 2 thí sinh trúng tuyển thì họ không thể mở lớp được, đó là điều hiển nhiên và bình thường.

Tìm kiếm thông tin tuyển sinh. Ảnh: Internet
 Tìm kiếm thông tin tuyển sinh. Ảnh: Internet

Các trường ĐH cũng có mức độ tự chủ nên họ có thể quyết định mở ngành và không mở ngành. Khi mà thí sinh ít quá thì họ không thể mở ngành. Vì thế, việc một số trường ĐH đẩy điểm chuẩn đầu vào lên cao để không có thí sinh nào trúng tuyển cũng là một cách làm của họ. “Nhưng vấn đề đặt ra là, làm như thế nào để có lợi cho thí sinh. Chẳng hạn, thay vì giải pháp đẩy điểm chuẩn lên cao, nhà trường có thể giới thiệu thí sinh đến trường ĐH khác có cùng ngành nghề đào tạo” - GS Lâm Quang Thiệp nói.

Các trường phải thay đổi chiến lược phát triển

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, thí sinh không trúng tuyển vào nguyện vọng này thì có thể chuyển sang nguyện vọng khác. Quan trọng là chúng ta không làm mất cơ hội học tập của các em.

Theo PGS Hoàng Văn Cường, việc một số trường ĐH thực hiện phương án đẩy điểm chuẩn đầu vào lên cao để không có thí sinh trúng tuyển cũng là điều tốt. Nhìn bên ngoài có thể cảm nhận rằng, đó là một sự từ chối nào đó. Nhưng suy cho cùng, đó là một sự từ chối tốt cho người học, tránh tình trạng người học phải học ở những trường, lớp quá ít thí sinh. Còn giả sử nếu trường lấy điểm quá thấp thì lại bị xã hội đánh giá là “vơ bèo vạt tép”. Hơn nữa lấy điểm thấp thì chất lượng đào tạo cũng thấp. Theo đó, người học sẽ không nhận được chương trình đào tạo tốt và cuối cùng phần thiệt thòi thuộc về người học.

“Vì thế, tôi cho rằng, phương án mà một số trường đang thực hiện là tốt cho người học, nhà trường và xã hội” - PGS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, buộc một số trường ĐH phải thẳng thắn nhìn vào thực tế để có tầm nhìn xa hơn. Trước mắt phải thay đổi chiến lược phát triển, không cố bám vào chuyện “vét” thí sinh để tồn tại lay lắt và cũng không nên nghĩ đến việc tăng cường, mở rộng đào tạo thạc sĩ, hay tiến sĩ là giải pháp chiến lược. Nên chăng, nghĩ đến chuyện chuyển đổi theo nghề nghiệp hoặc là liên kết với những trường ĐH có uy tín để trở thành phân hiệu, cơ sở cho những trường ĐH này. Khi đấy nhà trường sẽ được nâng cao năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.