Nâng chất lượng luận án tiến sĩ theo chuẩn quốc tế

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng của luận án tiến sĩ, hướng theo chuẩn mực quốc tế là đòi hỏi cấp bách của các trường đại học Việt Nam. 

Nâng chất lượng luận án tiến sĩ theo chuẩn quốc tế

Theo PGS.TS Trương Đình Tiến (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), để làm được điều này, đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ từ nhận thức đến hành động của nhà trường, cán bộ hướng dẫn khoa học, nghiên cứu sinh trong toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện và đánh giá luận án.

Giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ được PGS.TS Trương Đình Tiến chia sẻ trong tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo sau đại học trong điều kiện tự chủ và hội nhập quốc tế" tổ chức mới đây.

Nâng cao chất lượng khâu lựa chọn đề tài nghiên cứu

Nhóm giải pháp đầu tiên PGS.TS Trương Đình Tiến đưa ra là về tổ chức, quản lý quy trình và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ. Trong đó nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng khâu lựa chọn đề tài nghiên cứu của NCS và phân định chính xác chuyên ngành đào tạo phù hợp với hướng nghiên cứu của họ.

Cần giải quyết triệt để việc chồng lấn, trùng lắp nhau giữa các đề tài tiến sĩ của NCS theo học ở những chuyên ngành khoa học khác nhau.

Đề đảm bảo các đề tài luận án không trùng lắp hoặc có hướng nghiên cứu quá gần nhau, PGS.TS Trương Đình Tiến cho rằng, cần có hệ thống dữ liệu thống nhất về các đề tài đã và đang được nghiên cứu, cũng như luận án tiến sĩ của tất cả các trường ĐH trong nước, quốc tế. Vì vậy, cần có hội đồng chuyên môn để đánh giá đề tài luận án của NCS nhằm đảm bảo tính khoa học, mức độ phù hợp với lĩnh vực khoa học và kiến thức nền tảng phù hợp của người hướng dẫn.

Cán bộ hướng dẫn khoa học của các chuyên ngành cần công bố cụ thể những định hướng nghiên cứu và hệ thống các đề tài nghiên cứu có thể hướng dẫn cho các NCS tiềm năng.

Cùng với giải pháp này, PGS.TS Trương Đình Tiến cũng đề cập đến việc cần nâng cao chất lượng, khả năng thực hành các học phần về phương pháp nghiên cứu; tạo lập môi trường nghiên cứu, cung cấp đầy đủ và cập nhật cơ sở dữ liệu và điều kiện tiếp cận thông tin cho NCS; thực hiện đầy đủ và chặt chẽ quy trình đào tạo tiến sĩ.

Cùng với đó, xác định rõ vai trò và trách nhiệm chính của khoa chuyên ngành và các bộ môn trong quá trình đào tạo tiến sĩ. Các khoa chuyên ngành cần thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị khoa học để NCS trình bày các vấn đề liên quan đến đề tài luận án và góp ý cho NCS. Cần có sinh hoạt khoa để góp ý hằng năm cho NCS.

Trong đánh giá luận án tiến sĩ, cần đề cao hơn nữa vai trò của khoa và bộ môn chuyên ngành. Khoa chuyên ngành và bộ môn khoa học trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng luận án của nghiên cứu sinh trước khi đưa ra công bố công khai.

Lý do, theo PGS.TS Trương Đình Tiến, khoa chuyên ngành mới có thông tin chính xác về ai là những người có chuyên môn cao và phù hợp trong chuyên ngành khoa học cụ thể liên quan đến đề tài luận án để có khả năng đánh giá chính xác chất lượng luận án của NCS.

Nâng cao năng lực của cán bộ hướng dẫn

Cho rằng, cần nâng cao năng lực của cán bộ hướng dẫn khoa học và NCS, PGS.TS Trương Đình Tiến cho rằng, ở bậc tiến sĩ, người hướng dẫn khoa học phải giới thiệu, cung cấp cho nghiên cứu sinh các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của họ trong nước và trên thế giới, cùng với kết quả nghiên cứu của chính giảng viên. Phải đưa ra các định hướng và yêu cầu cho NCS thực hiện nghiên cứu, phải giám sát và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu của NCS.

Các giảng viên cần được bồi dưỡng thường xuyên các kiến thức mới cập nhật về phương pháp nghiên cứu cũng như những phát triển mới về tri thức trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Chỉ người đã và đang thực hiện các nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án của NCS mới có thể thực hiện tốt vai trò là người hướng dẫn khoa học của NCS.

Cán bộ hướng dẫn khoa học cũng cần thường xuyên thu thập thông tin phản hồi từ NCS thực hiện luận án (có thể sử dụng phiếu khảo sát) để phát hiện những khó khăn, trở ngại của họ, từ đó bổ sung các hoạt động hỗ trợ họ trong quá trình thực hiện luận án.

Việc thay đổi quan điểm và tư duy của NCS khi tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ là rất quan trọng. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Trương Đình Tiến lưu ý, NCS cần xác định bậc đào tạo tiến sĩ đòi hỏi người học phải độc lập trong nghiên cứu, lập kế hoạch cẩn thận, có năng lực và kỹ năng thực hiện đề tài nghiên cứu một cách chủ động. NCS cần sắp xếp thời gian để đầu tư đủ thời gian cần thiết cho các hoạt động trong quá trình học, thậm chí dành hoàn toàn thời gian cho quá trình thực hiện luận án.

Ngoài ra, PGS.TS Trương Đình Tiến cũng nhắc đến vai trò của cộng đồng NCS trong thúc đẩy, hỗ trợ từng NCS thực hiện luận án. Các buổi sinh hoạt khoa học, các hoạt động tập thể tạo nên môi trường học thuật, sẽ có tác động tích cực đến thái độ và hành vi của các NCS.

"Mục tiêu của đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là gia tăng lợi ích nhận được cho người học và tối ưu hóa đầu ra của chương trình đào tạo. Nhà trường cần tạo điều kiện cho NCS có thể sử dụng tốt nhất thời gian mà họ đã đầu tư cho việc theo học chương trình đào tạo tiến sĩ của trường. Muốn vậy, trường cần có nhiều hoạt động hỗ trợ hơn nữa cho NCS, giúp họ đạt kết quả học tập tốt hơn" -PGS.TS Trương Đình Tiến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ