Nâng “chất” giáo dục từ “dồn điền đổi thửa”

GD&TĐ - Sau 5 năm triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp, giáo dục Lào Cai đã đạt được thành quả đáng ghi nhận.

HS Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) học tại điểm trường chính. Ảnh: TG
HS Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) học tại điểm trường chính. Ảnh: TG

Không chỉ người dân thay đổi nhận thức về việc học, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, hoạt động giáo dục được GV tổ chức ở hầu hết điểm trường.

Đổi thay diện mạo

Lào Cai là một tỉnh miền núi vùng cao, địa bàn rộng, phân bố dân cư không tập trung, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đặc biệt, mạng lưới trường lớp còn phân tán, với 1.486 điểm trường lẻ; số lớp ở điểm trường lẻ chiếm 53,4%, nhưng số HS điểm trường lẻ chỉ chiếm 38,7%/tổng số học sinh (HS) toàn tỉnh.

Thầy Nguyễn Tiến Công – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà – Lào Cai) cho biết: Năm 2015, trường có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Tới nay đã sáp nhập còn 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. HS lớp 3 - 5 tại các điểm lẻ đưa về trường chính học tập. Hiện, chỉ còn 43 HS lớp 1, 2 học tập ở 2 điểm lẻ. Dự kiến năm 2025, trường sẽ xóa hoàn toàn điểm trường lẻ, đưa tất cả HS của 4 thôn về trường chính học tập, bán trú.

“Sau khi sáp nhập về trường chính, HS được học tập trong môi trường giáo dục đầy đủ. Bán trú tại trường giúp HS có điều kiện được học 2 buổi/ngày. Buổi học thứ 3 vào buổi tối, trò được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trường. Điều kiện học tập tăng cường đã giúp chất lượng giáo dục nhà trường thay đổi tích cực mỗi năm…” – thầy Nguyễn Tiến Công chia sẻ.

Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 - Bắc Hà – Lào Cai. Ảnh: TG
Thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 - Bắc Hà – Lào Cai. Ảnh: TG 

Ông Lồ Seo Lử - Trưởng thôn Tả Thồ 1, xã Hoàng Thu Phố, có cháu theo học tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 bày tỏ: Cả thôn có khoảng 10 HS. Nếu để học tập tại điểm trường lẻ thì điều kiện, cơ sở vật chất không thể tốt như trường chính nên đa số phụ huynh đồng tình, HS phấn khởi, thích đi học, không còn tình trạng bỏ trốn học khi được dồn điểm trường lẻ.

Thầy Liễu Tiến Sơn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa – Lào Cai) cũng cho biết: Trường hiện có 3 điểm lẻ, 1 điểm trường chính. Dù cơ sở vật chất trường chính chưa đủ để dồn 100% HS điểm lẻ về học nên trước mắt dồn HS từ lớp 3 - 5 (khoảng 300 HS) về trường chính từ năm học 2019 – 2020. HS khối THCS, 100% học tại trường, bán trú 50%.

Thầy Sơn khẳng định: HS về trường chính có cơ hội được học tập với phòng ốc, trang thiết bị máy móc đầy đủ, trường triển khai dạy học được 2 môn Tin học, Tiếng Anh cho HS từ lớp 3. Cùng đó trường cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kĩ năng sống, trải nghiệm... Điều kiện học tập đầy đủ đã giúp kết quả học tập, kĩ năng của HS tiến bộ rõ nét.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Lào Cai, sau hơn 5 năm triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp, ngành đã sáp nhập được 145 trường thành 71 trường; sáp nhập 232 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học; xóa 92 điểm trường, và đưa 19.380 HS ở điểm trường lẻ về trường chính. Cùng đó, nâng cấp 4 trường PTDTNT, THCS&THPT. Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp đã giúp Lào Cai tiết kiệm 1.151 lớp và khoảng 1.800 GV, cán bộ quản lý.

Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: TG
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: TG

Hiệu quả và kinh nghiệm

Bà Dương Bích Nguyệt – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai khẳng định: Sau hơn 5 năm triển khai Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp, giáo dục Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trước hết đó là sự đồng thuận, thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân. Đặc biệt, làm thay đổi được nhận thức, giúp người dân, phụ huynh thấy được sự cần thiết của giáo dục, nhất là việc đưa trẻ từ điểm trường lẻ về học ở trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Quá trình “dồn điền đổi thửa” HS đã được học trong môi trường giáo dục và điều kiện học tập tốt hơn, được tham gia nhiều hơn các hoạt động tập thể, giáo dục kĩ năng sống, Tin học, Ngoại ngữ... nên chất lượng giáo dục cũng tăng lên.

Chia sẻ về kinh nghiệm “dồn điền, đổi thửa”, thầy Liễu Tiến Sơn nói: Cách đây 1 - 2 năm còn một số phụ huynh chưa hiểu hết ý nghĩa, tác dụng của việc dồn HS về trường chính nên không đồng tình. Tuy nhiên, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền giải thích, giúp người dân thấy được hiệu quả nên phụ huynh ủng hộ mạnh mẽ. Thậm chí, nhiều phụ huynh có con học lớp 1, 2 cũng mong muốn đưa về học điểm trường chính…

Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cũng chỉ ra những kinh nghiệm quý: Để đạt được các mục tiêu của Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, ngoài sự nỗ lực cố gắng của ngành Giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp có vai trò rất quan trọng.

HS tham gia lao động sản xuất tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: TG
HS tham gia lao động sản xuất tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: TG 

Có thể kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Bộ GD&ĐT; phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành nên đã bố trí kinh phí thực hiện Đề án và được lồng ghép, huy động từ nhiều nguồn vốn, các chương trình, dự án.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ của tỉnh (hỗ trợ tiền ăn cho HS bán trú ngoài đối tượng hỗ trợ của T.Ư, chính sách làm nhà ở, nhà công vụ; chính sách giáo viên quản lý HS bán trú...) là điều kiện tiên quyết để thực hiện.

Mặt khác, việc xây dựng Đề án cần được thực hiện từ cơ sở, bắt đầu từ cơ sở (từ thôn, xã xây dựng đề án; huyện xây dựng đề án và tỉnh xây dựng đề án tổng thể). Đặc biệt, việc thực hiện không nên nóng vội, nơi nào dễ làm trước, nơi nào khó làm sau.

Bà Dương Bích Nguyệt cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả, ngành Giáo dục phải chủ trì, chủ động trong tham mưu, triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV phải thực sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm trong việc phối hợp với cha mẹ HS để tổ chức các hoạt động giáo dục trong mỗi nhà trường, đặc biệt là tổ chức ăn, ở bán trú, nội trú cho HS.

Quy hoạch mạng lưới trường, lớp là nhiệm vụ khó khăn, vì vậy chính quyền địa phương phải tập trung, nâng cao trách nhiệm với quyết tâm cao, quyết liệt, chỉ đạo bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn, khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.