Tờ Indian Defense News (IDN) cho biết và thông báo thêm, những phương tiện chiến đấu này sau đó sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia thuộc khu vực châu Phi và Trung Đông.
"Xe tăng T-72 sẽ được hiện đại hóa tại chỗ rồi xuất khẩu. Quân đội Ấn Độ có khoảng 2.500 phương tiện loại này, đóng vai trò là xe tăng chiến đấu chủ lực" - một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với ấn phẩm IDN.
Nhân vật trên nói thêm rằng việc hiện đại hóa sẽ đòi hỏi nỗ lực chung giữa các nhà sản xuất quốc phòng Ấn Độ và đơn vị cung cấp công nghệ đến từ Nga.
Tờ Indian Defense News nhớ lại, T-72 vẫn được coi là một trong những loại xe tăng đáng tin cậy nhất trên thế giới và nhu cầu về chúng vẫn cao. Các quốc gia ở Châu Phi và Trung Đông đã thể hiện sự quan tâm đến những cỗ chiến xa này, ngay cả khi Ấn Độ chuẩn bị rút chúng khỏi lực lượng vũ trang của mình.
"Việc sản xuất xe tăng T-72 ở Ấn Độ bắt đầu từ những năm 1980 tại nhà máy thiết bị hạng nặng ở Avadi, gần Chennai, ngoài ra có 500 chiếc MBT khác được mua trực tiếp từ Liên Xô. Vào những năm 2000, nhà máy này cũng sản xuất cả những chiếc T-90 hiện đại hóa"
"Hiện doanh nghiệp đang có kế hoạch nâng cấp xe tăng T-72 để xuất khẩu. Nếu nỗ lực này thành công, việc bán các loại xe bọc thép khác do Nga sản xuất, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh, cũng có thể được xem xét", tờ IDN nói thêm.
Cần nhấn mạnh rằng trong quá trình hiện đại hóa xe tăng T-72, hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ được cải thiện, lớp giáp cũng được tăng cường, bên cạnh đó khả năng cơ động sẽ lên một cấp độ mới.
Tờ IDN kết luận: "Dự án hiện đại hóa này diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong chiến lược mua sắm quốc phòng của Ấn Độ".
"Trong khi quốc gia Nam Á có lịch sử dựa vào thiết bị quân sự của Nga thì các sự kiện địa chính trị gần đây, bao gồm cả cuộc xung đột Ukraine, đã khiến New Delhi phải xem xét lại và đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng cũng như khả năng sản xuất vũ khí của mình".