Đây là hoạt động được câu lạc bộ STEM Trường THPT Ten Lơ Man phối hợp với câu lạc bộ STEM trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức.
Đến trải nghiệm tại ngày hội, Lâm Chấn Kiệt, học sinh 11 A7, Trường THPT Ten Lơ Man chia sẻ, các hoạt động đã giúp em và các bạn biết, học hỏi được nhiều điều nhất là sự sáng tạo. Chẳng hạn như hành động bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng những vật liệu nhựa bỏ đi để tái chế ra những sản phẩm có ích, em cảm thấy rất ý nghĩa với bản thân.
Học sinh hào hứng trải nghiệm tại các trạm. |
Còn Lê Minh Đức, lớp 11A1 cho hay: “Qua hoạt động tiết kiệm giấy bảo vệ môi trường, mọi người ngồi lại với nhau xếp những hình hộp làm sao mà được thể tích lớn nhất mà lại tiết kiệm giấy nhất có thể. Trải nghiệm hôm nay rất vui và thú vị”.
Thầy Nguyễn Quốc Bảo, giáo viên Hóa học Trường THPT Ten Lơ Man, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ STEM của trường cho biết: với chủ đề của ngày hội là tiết kiệm, học sinh sẽ trải nghiệm tại 3 trạm: Tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt và tiết kiệm trong trường học.
Theo thầy Bảo, thông qua ngày hội nhằm thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường, cũng như tạo sân chơi, môi trường cho học sinh được vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Học sinh thì được thực hành những kiến thức đã học ở các môn như: Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý. Đặc biệt, qua ngày hội, ban tổ chức mong muốn gửi thông điệp đến học sinh bằng cách sống tiết kiệm ở trong đời sống, sản xuất cũng như sinh hoạt.
Học sinh Trường THPT Ten Lơ Man thảo luận sôi nổi tại ngày hội. |
" Tại ngày hội, ở Trạm “Tiết kiệm trong sản xuất”, học sinh hiểu và hào hứng vận dụng được những kiến thức về hình học phẳng và hình học trực quan: góc ở tâm, hình quạt tròn, hình trụ, hình nón; cách tính diện tích xung quanh và thể tích của các hình khối cơ bản, từ đó thực hiện được những bài toán tối ưu. Bên cạnh đó các em còn biết cách và thực hiện được việc tạo thành các hình khối cơ bản trong thực tiễn (hình trụ, hình nón) từ một hình phẳng.
Còn ở Trạm “Tiết kiệm trong trường học”, học sinh tham gia ngày hội hiểu và vận dụng được các kiến thức lắp mạch điện để chế tạo sản phẩm, đồng thời thiết kế được mạch điện chiếu sáng tự động.
Đặc biệt, ở Trạm “Tiết kiệm trong sinh hoạt”, các em biết được ứng dụng của chất dẻo và tác hại của việc lạm dụng chất dẻo trong đời sống và sản xuất. Qua đó, nêu ra một số biện pháp để hạn chế sử dụng một số loại chất dẻo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người”, thầy Bảo chia sẻ.