Cần có người đi đầu
Trong thời gian qua, NXB Văn hóa - Văn nghệ (VHVN) TPHCM thường xuyên có các hoạt động giao lưu với bạn đọc tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy văn hóa đọc. Bà Đinh Thị Phương Thảo, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB VHVN TPHCM cho rằng để tạo được phong trào đọc sách thì phải có người đi đầu, thủ lĩnh phong trào.
“Ở một cơ quan, đơn vị muốn có phong trào đọc sách phải có “sếp” thích đọc sách, tạo tủ sách cơ quan, đơn vị, khuyến khích đọc sách, tặng sách… Ở một trường học, cần có hiệu trưởng cổ xúy cho phong trào. Ở một lớp học phải có thầy cô chủ nhiệm tổ chức phong trào cho cả lớp tham gia. Ở một gia đình muốn con có thói quen đọc sách thì cha mẹ phải làm gương, cha mẹ phải đọc sách, cùng đọc sách với con và lấy sách làm phần thưởng khen thưởng động viên con…” - bà Đinh Thị Phương Thảo chia sẻ.
Trong 12 năm qua, Công ty Sách Thái Hà (Thái Hà Books) đã đến khá nhiều trường phổ thông và đại học để nói chuyện về giá trị của việc đọc sách, hướng dẫn đọc sách nhanh, thậm chí đọc sách siêu tốc. “Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 62 chương trình Reading Books Together - Cùng nhau đọc sách. Đồng thời, công ty đang phối hợp với các tổ chức như: Sách và Hành động, CLB yêu sách Thái Hà, Go-Books, Điểm đọc, Không gian đọc… để mang sách và các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc đến với HSSV” - TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books chia sẻ.
“Tôi đề nghị cần có chiến lược cấp quốc gia về khuyến đọc, về việc đẩy mạnh văn hóa đọc đến trường học. Đồng thời cần phải có “tiết đọc sách” và thêm nhiều cuộc thi viết review sách, kể chuyện sách, học tập các tấm gương trong sách. Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm hơn đến thư viện sách của đơn vị mình để nơi đây có một kho di sản sách hay và chất lượng phục vụ cho cả thầy cô lẫn học sinh”. - TS Nguyễn Mạnh Hùng
TS Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm: “Ở một số nước, như Indonesia, ngành xuất bản thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục. Sách được xuất bản phục vụ một đối tượng bạn đọc rất quan trọng là HSSV. Việc kết hợp giữa các đơn vị xuất bản với các trường học được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Văn hóa đọc muốn được nâng cao bắt buộc phải bắt đầu từ HS mà hơn thế nữa từ HS tiểu học. Cần giúp các em có kiềng 3 chân ngay từ khi mới tập đọc là sách hay, sách chất lượng + cảm hứng đọc sách + kỹ năng đọc và ứng dụng kiến thức từ sách”.
Thời gian qua, bên cạnh việc kết nối với các cơ sở giáo dục, NXB Phụ nữ Việt Nam đã tham gia rất nhiều chương trình khuyến đọc, nhiều CLB đọc sách, nhiều thư viện công cộng miễn phí cho bạn đọc trên cả nước… “Cụ thể là có các chương trình kết hợp với một số trường mở những hoạt động khuyến đọc, giao lưu… Các thầy cô, Ban giám hiệu luôn sẵn sàng ủng hộ, kết nối. Đầu năm nay chúng tôi cũng mở rộng hơn với nhiều trường nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên chưa triển khai được” - bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng chi nhánh NXB Phụ nữ Việt Nam tại TPHCM chia sẻ.
Đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa?
TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ông đã gửi công văn đề nghị chính thức có phần “Đọc sách 10 phút mỗi ngày” trong trường học. “Ở Indonesia, họ có quy định, tất cả học sinh phải đọc 15 phút mỗi ngày trước khi vào học kiến thức chính. Sách đọc phải là sách, không phải giáo khoa, giáo trình. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà trường có hoạt động Reading Books Together. Khi thầy cô giáo đọc sách cùng học sinh, chỉ khi bố mẹ đọc sách cùng con thì văn hóa đọc chắc chắn có thay đổi đáng kể, thâm chí đột phá” - TS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bà Đinh Thị Phương Thảo cho rằng, hiện có rất nhiều tổ chức, đơn vị làm công tác xã hội, từ thiện bằng cách tặng các tủ sách cho vùng sâu, vùng xa. Mặc dù vậy, số lượng sách tặng từ thiện xã hội ngày càng nhiều nhưng số lượng người đọc sách vẫn không tăng, nguyên nhân một phần là do thiếu người tổ chức việc đọc. Đọc sách phải trở thành thói quen. Thói quen phải được dựng xây từ nhỏ. Trong đó, gia đình mang tính chất quyết định thói quen này.
“Tiết đọc sách trong nhà trường là cần thiết. Nếu không có tiết đọc sách, rất khó để tổ chức thành phong trào đọc sách, và tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Thiết nghĩ, ngành Giáo dục cần triển khai ngay và luôn tiết đọc sách trong trường, lựa chọn danh mục sách phù hợp với từng cấp học, cấp lớp” - bà Thảo chia sẻ.
Thông tin về việc kết nối với các trường học, bà Thảo cho hay, thời gian qua đơn vị chủ yếu tổ chức chương trình đưa sách đến trường học thông qua chương trình Ngày hội đọc sách tại các trường của Đội, Đoàn tổ chức. Đồng thời, NXB cũng phối hợp với một số thư viện các trường, giới thiệu danh mục sách phù hợp để đưa sách vào thư viện phục vụ học sinh và giáo viên nhà trường. Đặc biệt, thành công nhất của NXB VHVN TPHCM trong những năm qua là phối hợp được với Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều lớp, nhiều trường tặng quà bằng sách cho các em nhân sơ kết học kỳ I hay tổng kết năm học.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, để cải thiện tỷ lệ đọc sách trong trường học thì giữa đơn vị làm sách và nhà trường cần kết nối với nhau nhiều hơn, đi vào nhiều hoạt động thực tế hơn nữa.
“Tỷ lệ người đọc sách ở một số nước cao vì ngay từ nhỏ khi đi học họ đã được yêu cầu đọc nên thói quen đọc hình thành từ đó. Với HS tiểu học, từ lớp 3 trở lên có thể giao luôn cho các em việc đọc chủ động, vừa giúp trẻ thích đọc vừa rèn tính tự chủ luôn. Chẳng hạn, thầy cô giáo có thể giao cho HS trong vòng 1 tháng chọn đọc 1 cuốn sách cụ thể trong 3 cuốn sách nào đó liên quan đến môn đang học (cô đưa tên sách luôn) để tìm thêm kiến thức, thông tin liên quan, trả lời câu hỏi, viết bài luận… Bé về nhà sẽ phải chủ động tìm sách và hoàn thành bài thầy cô giao” - đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam tại TPHCM chia sẻ.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thu thông tin thêm: “Để GV không mất thêm thời gian chọn lựa sách trong khi công việc của họ cũng vô cùng nhiều thì chỉ có NXB, là nơi có thể phân loại, chọn lựa sách theo chủ đề do GV đưa ra. Nếu nhà trường, GV muốn thử nghiệm theo cách này, NXB Phụ nữ Việt Nam xin được hỗ trợ đồng hành, sẵn sàng chọn sách phù hợp với yêu cầu của mỗi môn học, mỗi cấp độ”.
Ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Thái Hà Books) cho rằng, HSSV cần được trang bị kỹ năng tự học mà tự học không thể tốt được khi thiếu kỹ năng đọc sách. Ngoài ra, ông nhấn mạnh yếu tố tốc độ đọc: Tốc độ đọc trung bình là 200 - 240 từ/phút tức 1 phút mức đọc trung bình là 1 trang. Kiến thức ngày nay quá nhiều, nếu đọc chậm thì lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn từ sách. Tôi rất tin vào nhận thức của các thầy cô giáo, HSSV, các bậc phụ huynh và của xã hội. Bất cứ cái gì muốn thay đổi cũng cần bắt đầu từ nhận thức. Sách và văn hóa đọc cũng vậy”.
10 yêu cầu của Bộ GD&ĐT để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc; nêu gương những điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân thành đạt nhờ đọc nhiều.
2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác tổ chức các hoạt động và quản lý thư viện, góp phần đổi mới hoạt động dạy học của nhà trường.
3. Mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh; phổ biến kinh nghiệm đọc cho người dân tại trung tâm học tập cộng đồng.
4. Giáo viên các trường mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe thường xuyên tại gia đình.
6. Tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con; lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
7. Đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”...
8. Xã hội hóa các nguồn lực xây dựng thư viện trường học, huy động cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh. Hướng dẫn và tổ chức cho học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách.
9. Tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm... nhằm khuyến khích học sinh, người dân đọc sách.
10. Thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông với cơ cấu tổ chức linh hoạt, chương trình và hình thức hoạt động đa dạng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.