Nâng cao văn hóa đọc: Lan tỏa tình yêu với sách

GD&TĐ - Những hội chợ sách, những buổi ra mắt sách và giao lưu tác giả liên tục được tổ chức cho thấy những tín hiệu tích cực về sự lan tỏa của văn hóa đọc cũng như tình yêu với sách của độc giả Việt Nam hiện nay.

Phố sách Hà Nội - một trong những điểm đến văn hóa của người yêu sách
Phố sách Hà Nội - một trong những điểm đến văn hóa của người yêu sách

Những giá trị sau 5 năm Ngày sách Việt Nam

Hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa và xây dựng một xã hội học tập, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ- TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Sự ra đời của ngày hội văn hóa đọc đã thực sự tạo nên bước chuyển căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa và giá trị của sách và về việc đọc sách trong đời sống cộng đồng.

Sau 5 năm tổ chức Ngày sách Việt Nam, toàn ngành Xuất bản đã đưa ra lưu hành được gần 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản. Chất lượng xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, kể từ năm 2014 tới nay, các hoạt động về sách đã đi từ “không” đến “có”, từ 1 - 3 hội sách, nay đã có trên 60 hội sách mỗi năm. Hoạt động về sách trải rộng từ Trung ương tới địa phương, thu hút hàng triệu người đến tham quan, mua sách, đọc sách.

Các hoạt động về sách diễn ra sôi nổi trên khắp mọi miền, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách của người dân. Ở nhiều địa phương đã xây dựng mô hình và thiết chế văn hóa đọc tại cơ sở, phát triển các hình thức thư viện mới trong cộng đồng giúp người dân có cơ hội đọc sách, tiếp cận với sách như tủ sách nhà văn hóa thôn, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách công nhân, câu lạc bộ bạn yêu sách…

Tại các thành phố lớn, các mô hình phố sách, đường sách được đầu tư xây dựng và đạt những hiệu ứng tốt đẹp, trở thành những điểm đến văn hóa hấp dẫn.

Trong hệ thống các trường học, nhiều tủ sách lớp học, thư viện lưu động cùng các phong trào thi kể chuyện, thi viết nhật ký sách, trưng bày triển lãm và giới thiệu sách… được tổ chức.

Sau 5 năm tuyên truyền mạnh mẽ về việc hình thành văn hóa đọc, đến nay các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các nhà trường, cho học sinh nghèo; tổ chức được trên 240 nghìn hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách

Ngày Sách Việt Nam 2019 thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự
Ngày Sách Việt Nam 2019 thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự 

Dường như chưa bao giờ những hoạt động góp phần hình thành văn hóa đọc lại sôi nổi như bây giờ. Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, các chương trình về sách được tổ chức ngày càng nhiều và thu hút ngày số đông người dân tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Một không gian để đắm mình trong thế giới sách đang ngày càng được quan tâm, tuy nhiên thời gian dành cho sách của mỗi người dường như vẫn còn hơi khiêm tốn.

Không cần và không nên đọc hết ngay một cuốn sách trong thời gian nhất định. Các bạn trẻ có thể đặt mục tiêu mỗi ngày đọc 10 – 20 trang sách tùy theo thời lượng học tập và cần duy trì đều đặn việc đọc này. Như vậy, đọc sách như một thú vui, sự giải lao thư giãn cho tinh thần, nạp thêm năng lượng mới để chuẩn bị cho công việc tiếp theo.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Tại chương trình giao lưu “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong thế giới sách” do Nhà Xuất bản Phụ nữ phối hợp với Thư viện Quân đội tổ chức mới đây, nhiều học sinh cấp THCS đã bày tỏ việc khó có thể đọc sách mỗi ngày khi việc học đã chiếm hết quỹ thời gian trong ngày của các em.

Ở nhiều trường, hoạt động về sách tuy được tổ chức nhưng thường ở quy mô toàn trường khiến các em chưa thực sự cảm thấy gần gũi, trong khi nhiều trường học vẫn chưa có tiết thư viện trong thời khóa biểu của học sinh. Những phút nghỉ giữa tiết học ít ỏi không đủ kéo chân các em đến thư viện để tìm đọc sách, nhất là khi thư viện nhà trường được bố trí tại vị trí chưa thuận tiện để các em có thể “tranh thủ đọc sách” khi có điều kiện.

Để xây dựng văn hóa đọc, nên đưa vào chương trình học ở các trường phổ thông qua các tiết đọc sách tại thư viện trường học, hoặc các hoạt động thảo luận nhóm, cụ thể, gần gũi và thường xuyên hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm khai thác “mỏ vàng” trong sách với các bạn đọc trẻ, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, không cần và không nên đọc hết ngay một cuốn sách trong thời gian nhất định. Các bạn trẻ có thể đặt mục tiêu mỗi ngày đọc 10 – 20 trang sách tùy theo thời lượng học tập và cần duy trì đều đặn việc đọc này. Như vậy, đọc sách như một thú vui, sự giải lao thư giãn cho tinh thần, nạp thêm năng lượng mới để chuẩn bị cho công việc tiếp theo.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu với sách không phải là điều dễ thực hiện. Mua một cuốn sách rất dễ, nhất là khi các hội chợ sách tổ chức liên tục, nhiều hiệu sách mới được mở ra với nhiều chương trình giảm giá khá thường xuyên và hấp dẫn, nhưng việc dành thời gian để đọc và tìm hiểu các thông tin liên quan đến cuốn sách ấy mới khó.

Trên một số diễn đàn về sách trên mạng xã hội có không ít người bày tỏ, nhiều cuốn sách mua về chỉ bày trên giá mà chưa hề được mở ra xem. Thực trạng này cần được mỗi cá nhân, mỗi chủ nhân của sách cải thiện. Khám phá niềm yêu thích đọc sách, không để sách nằm im trên giá đang là vấn đề mà mỗi cá nhân cần có đủ quyết tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, việc tạo không gian và thời gian cho lớp trẻ tiếp cận với sách, có tình yêu và đam mê với sách cần lắm những tấm gương đọc sách từ chính người lớn trong gia đình, từ thầy cô và cộng đồng. Không thể yêu cầu hay khuyến khích trẻ đọc sách khi người lớn chỉ “dán mắt” vào màn hình máy tính, điện thoại. Chỉ khi những người lớn thực sự hiểu về giá trị của văn hóa đọc mới có thể góp phần lan tỏa tình yêu với sách cho những người xung quanh, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ