(GD&TĐ) - “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” là một trong những nội dung quan trọng tại “Hội nghị lần 2 khóa XI Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” được tổ chức ngày 25/9 vừa qua, tại Hà Nội.
Hội nghị đã thảo luận và thông qua các nội dung, chương trình làm việc toàn khóa của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ khóa XI, quy chế làm việc của ban chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, quy chế làm việc của Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐ… và các chương trình: Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn; Nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc của đoàn viên và người lao động; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể.
Theo ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc xây dựng chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động nhằm mục tiêu: Phối hợp với ngành GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan tuyên truyền vận động để đoàn viên công đoàn, người lao động vùng sâu, vùng xa được phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ, tin học trong công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vận động công nhân có học vấn thấp đi học bổ túc văn hóa theo chương trình THCS. Đây là bước tiến tới việc nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động, tăng tỷ lệ công nhân giỏi nghề, giảm số lượng lao động phổ thông có trình độ giản đơn.
Về Chương trình "Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động", ông Trần Công Phong, Chủ tịch công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, thời gian qua, chương trình đã triển khai nhưng hiệu quả chưa cao bởi quy định về mặt pháp lý chưa rõ ràng, công đoàn chỉ mang tính chất tham gia, tuyên truyền vận động là chính, không có cơ chế để thực hiện trực tiếp, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Để nâng cao trình độ cho đoàn viên, các doanh nghiệp cần bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ.
Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động là một nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015, hỗ trợ phát triển nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước đột phá về chất lượng dạy nghề, hỗ trợ phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó hình thành 26 trường chất lượng cao (trong đó có 5 trường đạt đẳng cấp quốc tế), góp phần đưa số lao động được đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015. |
Anh Quang