Trong đó, nhấn mạnh tới việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của HS, SV; truyền thông vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học hòa nhập với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV.
Một nội dung tuy không mới nhưng vô cùng có ý nghĩa, tác dụng lớn trong cuộc đấu tranh loại bỏ căn bệnh vô cùng nguy hiểm của thời đại. Bởi trong thực tế, đúng là mặc dù công tác truyền thông phòng - chống HIV/AIDS luôn được quan tâm, đẩy mạnh nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng thời gian qua ở nước ta vẫn còn và biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Có nơi thì ngấm ngầm, nơi thì công khai, thậm chí nơi còn thô bạo, khinh miệt và xa lánh… Không ít người cứ nhắc đến căn bệnh HIV/AIDS là cho rằng: Người nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, đổ lỗi cho họ ăn chơi trác táng mà tự gánh lấy hậu quả, tự phải đối diện với sự dè bỉu của xã hội…
Mà không hiểu rằng nhiều người nhiễm HIV/AIDS là nạn nhân, hoặc do công việc mà họ bị nhiễm bệnh, đó là những trường hợp người phụ nữ bị chồng mắc bệnh truyền sang, rồi đứa trẻ cũng bị người mẹ mắc bệnh truyền sang; hay những người thầy thuốc, công an do công việc tiếp xúc không may bị mắc bệnh.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Chính sự kỳ thị, sự phân biệt đối xử đã gây ra nhiều tác hại, người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng, chống HIV/AIDS; hay do bị khủng hoảng lòng tin nên người nhiễm HIV/AIDS đã sống buông trôi, thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và xã hội… làm cho dịch bệnh HIV/AIDS ngày càng có nguy cơ lan nhiễm với tốc độ nhanh hơn vì không được kiểm soát, không được dự phòng.
Vì thế nếu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn tiếp diễn thì Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm).
Thế nên để việc phòng - chống HIV/AIDS đạt hiệu quả thì, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành là rất cần sự đóng góp của người dân, trong đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức, đặc biệt không nên kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Nhất là đối với gia đình có người bị HIV/AIDS cần phối hợp với địa phương trong việc chăm sóc và quản lý người bệnh, đồng thời trang bị các kiến thức để phòng - chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng..
Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông sao cho mọi người nâng cao nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS, về hành vi nguy cơ lây nhiễm… để giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng. Đây là việc làm nhỏ, nhưng có tác dụng rất lớn để chung tay loại bỏ căn bệnh thế kỷ khỏi cuộc sống.