Nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi gia đình phải có 1 nhà tiêu hợp vệ sinh có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.

Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương tại Hà Giang xem việc tuyên truyền cho người dân hiểu tầm quan trọng của vệ sinh môi trường sống, đặc biệt mỗi gia đình phải có 1 nhà tiêu hợp vệ sinh có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.

Thay đổi nhận thức

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc còn nhiều khó khăn với trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều thôn đặc biệt khó khăn khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa tại Hà Giang không có điều kiện để xây nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ngoài ra, thói quen lạc hậu trong hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân ở những địa bàn đặc thù cũng là trở ngại trong nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhất là trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các ban, ngành, địa phương tại Hà Giang đã có nhiều việc làm cụ thể, tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân.

Nhiều năm trước, người dân xã Phương Thiện (TP Hà Giang) vẫn còn thói quen sử dụng nhà tiêu trên ao, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, cộng đồng.

Trước tình hình đó, xã tập trung vận động tuyên truyền các hộ dân xây nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tổ chức cho các hộ chưa có nhà tiêu đến tham quan các nhà tiêu tự hoại của một số gia đình trên địa bàn xã.

Cùng với đó, xã cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và thành phố đối với vấn đề nhà tiêu hợp vệ sinh này.

Sau một thời gian quyết liệt triển khai của chính quyền địa phương, toàn bộ nhà tiêu trên ao của các hộ dân đã được xóa bỏ, người dân thay đổi nhận thực, nâng tỉ lệ hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn cao, cảnh quan môi trường trở nên sạch đẹp hơn, mang đến một bộ mặt mới cho xã.

Ngành Y tế phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học, trạm y tế, các tiêu chí xây dựng xã đạt “vệ sinh toàn xã”; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh gia đình và các điểm rửa tay bằng xà phòng tại thôn, bản; hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn tuyến huyện, xã lập hồ sơ minh chứng, kiểm đếm; hướng dẫn cán bộ xã và trạm y tế làm biên bản họp triển khai chương trình; lập kế hoạch hoạt động và hoàn thành bảng, biểu chuẩn bị công tác kiểm đếm; hướng dẫn các thôn, bản làm biên bản họp thôn…

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung vận động học sinh, phụ huynh và cộng đồng thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; sử dụng và bảo quản công trình nước và vệ sinh trong trường học; kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình tại trường học; theo dõi, đánh giá, báo cáo các hoạt động của chương trình ở cấp trường.

Theo ông Hoàng Xuân Hưng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang thì công tác truyền thông nếu được thực hiện tốt có thể phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi một số tập quán lạc hậu, từ đó công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cũng sẽ được quan tâm hơn. Vì vậy, việc truyền thông cần gần gũi, sâu rộng và có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể.

Duy trì tính bền vững

Hà Giang là 1 trong 21 tỉnh, thành được thụ hưởng chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn”. Từ đó, nhiều hộ dân trong tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thay đổi tập quán sinh hoạt, thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Ngành y tế Hà Giang tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngành y tế Hà Giang tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tận dụng các nguồn lực, chương trình đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Người dân từng bước xóa bỏ thói quen lạc hậu để giữ gìn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh và đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê của ngành Y tế Hà Giang, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu vệ sinh trên địa bàn tỉnh năm 2016 số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 86.967 hộ, đạt 50,77%. Đến 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình tại Hà Giang có nhà tiêu đã đạt gần 95%, trong đó 73,39% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã có gần 2.400 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu mới. Tỷ lệ trạm Y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 98%

Về phương hướng trong thời gian tới, để duy trì tính bền vững các công trình được đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân; ngành y tế cần phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình tại các thôn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công trình vệ sinh tại trường học, trạm y tế, những công trình nào bị hỏng, không sử dụng được do quá trình sử dụng yêu cầu khắc phục ngay; quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình vệ sinh trạm y tế cũng như các công trình nhà tiêu hộ gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.