Nâng cao năng lực ngoại ngữ nhờ chuẩn đầu ra

GD&TĐ - Quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia VN do Bộ GD&ĐT ban hành đã góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ...

Hiện, các trường đại học tại Việt Nam đều có quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên.
Hiện, các trường đại học tại Việt Nam đều có quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên.

Vững chuyên môn - Thạo ngoại ngữ

Tùy theo vị trí công việc, với những khu vực cần ngôn ngữ như lễ tân hay tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, Furama Resort Đà Nẵng sẽ phỏng vấn ứng viên. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, các chứng chỉ ngoại ngữ trong hồ sơ dự tuyển của sinh viên chỉ là căn cứ ban đầu của quy trình tuyển dụng. Chứng chỉ ngoại ngữ đi kèm cũng để đáp ứng điều kiện đánh giá chất lượng, xếp hạng sao của các khách sạn về yêu cầu nhân sự. Tuy nhiên, việc sàng lọc qua phỏng vấn trực tiếp là khâu quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh nhận xét: “Về cơ bản, năng lực sử dụng ngoại ngữ của sinh viên khá tốt. Cùng với quá trình học tập, nhiều sinh viên còn đi làm thêm tại khách sạn, đơn vị khai thác du lịch nên có nhiều cơ hội để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh. Trong quá trình dạy ngoại ngữ, các trường cũng chú trọng thực hành, ứng dụng nên kỹ năng và trình độ tiếng Anh của sinh viên tốt hơn trước”.

Nhận xét về khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên không chuyên ngữ được tuyển dụng vào Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Văn phòng đại diện tại miền Trung, ông Nguyễn Thành Kiên cho biết: “Chúng tôi thường họp trực tuyến qua ứng dụng Meeting nên ứng viên phải có kỹ năng nghe – nói tốt. Tiếng Anh là công cụ để tương tác, phản biện nên đòi hỏi sinh viên khi tham gia tuyển dụng vững kiến thức chuyên môn và khả năng nghe – hiểu – nói tốt”.

Trước kia, một số sinh viên, dù nghe – nói tiếng Anh trực tiếp rất tốt nhưng khi vào đến vòng phỏng vấn cuối cùng vẫn lúng túng khi trả lời qua điện thoại. Theo ông Kiên, các trường đại học khối STEM cũng bắt đầu nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh nên khả năng sử dụng ngoại ngữ của sinh viên đã cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Quảng Ngãi - cho rằng, để phát triển năng lực ngoại ngữ trong sinh viên cần phải xóa bỏ định kiến việc học ngoại ngữ phải có năng khiếu; tạo cơ hội để sinh viên thực hành như đọc tài liệu, viết báo cáo và thuyết trình bằng tiếng Anh…

Trình độ ngoại ngữ của sinh viên được cải thiện trong những năm gần đây.

Trình độ ngoại ngữ của sinh viên được cải thiện trong những năm gần đây.

Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Hiện, các trường đại học tại Việt Nam đều có quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên. Một trong những điều kiện xét tốt nghiệp của các trường đại học là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, TOEFL, Aptis hoặc chứng chỉ nội như VSTEP.

Tùy theo điều kiện từng trường và đặc thù khối ngành đào tạo, chuẩn đầu ra tiếng Anh sinh viên phải đạt thấp nhất là B1 theo Khung tham chiếu châu Âu (tương đương IELTS 4.5 - 5.0, TOEIC 450. Một số ngành như Kinh tế, Y, Dược… yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn như B2 (tương đương IELTS 5.5 - 6.5, TOEIC 600).

Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Ahora (Hà Nội) - cho biết: Về cơ bản, trình độ tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp hiện nay được cải thiện hơn so với trước. Hầu hết ứng viên khi đi xin việc ở vị trí yêu cầu ngoại ngữ đều có khả năng giao tiếp tốt, biết sử dụng tiếng Anh cho công việc văn phòng cơ bản. Tuy nhiên khi làm việc tại doanh nghiệp, vẫn cần phải đào tạo thêm thuật ngữ chuyên ngành.

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Giữa hàng chục, hàng trăm thứ ngôn ngữ khác nhau, thế giới đã lựa chọn tiếng Anh như phương tiện để mọi người có thể giao tiếp. Không những thế, tiếng Anh còn được xem là chìa khóa của sự thành công.

Chia sẻ điều này, bà Trần Thu Trang - Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Johoku (Hải Phòng) - đồng thời nhấn mạnh: “Với sự hội nhập quốc tế sâu rộng cùng chiến lược đúng đắn của Chính phủ và Bộ GD&ĐT qua Đề án Ngoại ngữ quốc gia, trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là trình độ tiếng Anh của người lao động Việt Nam đã nâng cao đáng kể so với những năm trước. Đối với công ty chúng tôi, mỗi lần tuyển nhân sự, không thiếu những sinh viên có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc”.

Ngoài bằng cấp và kinh nghiệm, theo ông Trần Chân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại điện tử Vshop (Hà Nội), tiếng Anh trở thành tiêu chí tuyển dụng của một số doanh nghiệp. Câu slogan “Vững chuyên môn - Thạo ngoại ngữ” ắt hẳn trở thành kim chỉ nam cho những ai muốn tìm kiếm một công việc tốt, lương cao.

Thấy được sự cần thiết của việc học tiếng Anh, nhiều sinh viên đã đầu tư cho môn học này và sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sau khi ra trường. Việc sử dụng 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết vào công việc cũng được chú trọng. Đối với việc tuyển dụng, những ứng viên có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo luôn được đánh giá cao hơn vì 95% nhà tuyển dụng cho rằng trình độ tiếng Anh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả làm việc.

Ông Alexander Floren - Giám đốc Quốc gia EF Việt Nam - thông tin: Chỉ số thông thạo ngoại ngữ của Việt Nam không ngừng nâng cao trong thời gian vừa qua. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên ra trường dần đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã rời khỏi nhóm mức độ thông thạo thấp và bước vào nhóm nước có mức độ thông thạo trung bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ