(GD&TĐ) - Kỹ năng viết (KNV) là dạng kỹ năng chuyên biệt để hiện tư tưởng, ý đồ giao tiếp bằng ngôn ngữ viết và các chuẩn mực văn bản. KNV là một trong những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất của con người, có vai trò rất quan trọng trong công việc của bất kỳ cá nhân nào và ở bất kỳ vị trí công tác nào.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, KNV lại càng có vai trò và vị trí quan trọng hơn bởi phạm vi giao tiếp không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam mà vươn ra toàn thế giới với những yêu cầu đa dạng về ngôn ngữ, chuẩn mực giao tiếp và về đặc trưng văn hóa. Do đó, để thành công trong học tập cũng như công việc sau khi tốt nghiệp đòi hỏi mỗi sinh viên (SV) phải có KNV tốt. Tuy nhiên, KNV không có nguồn gốc từ bẩm sinh cũng không phải tự nhiên có được mà được hình thành từ việc SV được đào tạo và tự rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống.
1. Thực trạng KNV của SV Việt Nam hiện nay.
Thực trạng KNV bằng tiếng Việt của SV Việt Nam đang rất yếu, đã và đang bị dư luận xã hội, các nhà ngôn ngữ học đề cập tại các hội thảo khoa học và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều tờ báo đã đăng các bài viết của SV khiến những ai có trách nhiệm cũng phải “giật mình” bởi thứ ngôn ngữ “ngoại lai” và cách hành văn “kỳ cục”. Đặc biệt, trong hầu hết các chương trình giao lưu giữa SV với các nhà doanh nghiệp do các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức, các nhà doanh nghiệp đều cho rằng nhiều SV tốt nghiệp không có khả năng viết hoàn chỉnh những văn bản thông thường như giấy mời, thư cảm ơn, vv…, đa số không soạn thảo được các văn bản hành chính (tờ trình, công văn, quyết định,vv…), không hiếm những người có trình độ chuyên môn cao nhưng kém về KNV đã bị doanh nghiệp đánh rớt tại các cuộc phỏng vấn. Nhiều cựu SV thành đạt khẳng định rằng trong các yếu tố tạo nên sự thành công của họ, KNV chiếm một vị trí rất quan trọng.
Trong giao tiếp không chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt mà còn cả tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên, KNV bằng tiếng Anh đang là một rào cản lớn của SV Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như trong việc tiếp cận tìm việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do các cơ sở GDĐH chưa quan tâm đúng mức về công tác đào tạo và tổ chức các hoạt động nâng cao KNV cho SV. Hầu hết các chương trình đào tạo của các cơ sở GDĐH chưa có học phần liên quan đến đào tạo KNV cho SV. Trong công tác đánh giá học phần, giảng viên chỉ quan tâm đến đánh giá nội dung bài làm mà ít quan tâm chỉnh sửa các lỗi chính tả, lỗi văn phạm trong các bài làm của SV; ít triển khai các bài kiểm tra theo hình thức tiểu luận, bài tập lớn,… Đoàn Thanh Niên, Hội SV và các đơn vị chức năng trong các cơ sở GDĐH ít tổ chức các hoạt động liên quan đến rèn luyện KNV và các lớp đào tạo KNV cho SV như kỹ năng soạn thảo đơn xin việc làm, lý lịch việc làm,…
Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân từ chính bản thân SV: SV ngày càng ít đọc (bài báo, sách) của các tác giả có uy tín, ít chủ động và kiên trì thực hành viết, chưa quan tâm các văn bản hành chính vốn rất quan trọng trong công việc sau này; trong khi đó SV lại bị tác động tiêu cực của ngôn ngữ chat, blog, phim ảnh, truyện tranh và ca nhạc thị trường, thậm chí bị ảnh hưởng bởi tình trạng sử dụng sai lỗi chính tả và ngữ pháp trong các giáo trình, tài liệu, văn bản,vv…
ảnh mang tính minh họa |
2. Giải pháp nâng cao KNV cho SV trong các cơ sở GDĐH hiện nay.
1) Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và SV về tầm quan trọng của KNV.
Thông qua các hội nghị khoa học, các cuộc họp chuyên môn,… lãnh đạo các cơ sở GDĐH cần làm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và SV nhận thức đúng hơn về vai trò KNV, coi việc hoàn thiện KNV là một trong những mục tiêu đào tạo quan trọng của cơ sở GDĐH. Nâng cao KNV cho SV không chỉ giúp SV học tập tốt hơn, có nhiều thuận lợi hơn trong nghề nghiệp tương lai, nâng cao uy thế đào tạo mà còn góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
2) Bổ sung học phần đào tạo KNV vào chương trình đào tạo.
Các cơ sở GDĐH cần quy định học phần KNV hoặc kỹ năng giao tiếp (trong đó có KNV) là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo của tất cả các chuyên ngành. Học phần này có thể có khối lượng từ 2 đến 3 tín chỉ, được bố trí ngay trong học kỳ đầu tiên của khóa học.
Đào tạo KNV với 50% lý thuyết + 50% thực hành bởi thực hành viết có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao KNV của SV. Nội dung đào tạo KNV cần gắn với nhiệm vụ học tập và việc làm tương lai của SV (như nội dung viết tiểu luận, luận văn, lý lịch và đơn xin việc, công văn, vv…)
Cùng với việc nâng cao KNV bằng tiếng Việt cho SV, lãnh đạo các cơ sở GDĐH cần có các biện pháp nhằm giúp SV có KNV bằng tiếng Anh đạt hiệu quả, như bố trí giờ học viết hợp lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình, hiện đại hóa phương tiện dạy học tiếng Anh.
3) Đổi mới công tác đánh giá học phần.
Chỉ đạo các tổ bộ môn và toàn thể GV đổi mới đánh giá học phần theo hướng tăng cường các hình thức bài tập lớn, tiểu luận, khóa luận, luận văn,… đồng thời quan tâm hơn đối với hoạt động đánh giá, chỉnh sửa (các lỗi chính tả, ngữ pháp, chuẩn văn bản,...) của SV. Sớm đưa các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá KNV vào khung điểm đánh giá luận văn, đồ án tốt nghiệp cùng với đánh giá về nội dung và hình thức.
4) Tăng cường hoạt động rèn luyện KNV.
- Đoàn Thanh Niên, Hội SV, Trung tâm việc làm SV và các đơn vị liên quan nên định kỳ tổ chức giao lưu SV với doanh nghiệp để SV có định hướng và động cơ rèn luyện KNV, sớm quen thuộc các loại văn bản liên quan trực tiếp đến công việc sau khi ra trường.
- Tìm chọn các đơn vị, cá nhân có thành tích về KNV để liên kết tổ chức các lớp đào tạo KNV cho SV.
- Tổ chức các bài tập nghiên cứu khoa học đánh giá KNV của SV (kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày văn bản) và sử dụng kết quả nghiên cứu để giúp SV nắm đúng và đủ thực lực (cũng như thiếu sót, tác hại,...) về KNV, từ đó tập trung vào việc rèn luyện nâng cao KNV.
- Thực hiện các nội san chuyên đề về nghiên cứu khoa học, đời sống học đường, vv… và khuyến khích SV viết bài. Những bài viết đạt chất lượng của SV cần được phổ biến rộng rãi.
- Chú ý tổ chức các hội thảo về KNV ở cấp khoa, từng chuyên ngành thuộc khoa để SV có động cơ tự rèn KNV cụ thể, phù hợp với chuyên ngành đang đeo đuổi.
- Thông qua hội thảo để từng bước khích lệ, tôn vinh thành quả rèn luyện KNV và phát huy vai trò của SV, của cơ sở GDĐH trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Tóm lại, nâng cao KNV cho SV là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hiệu quả rèn tập KNV (tiếng Việt và Ngoại ngữ) đến đâu không chỉ dựa vào sự chủ động, tích cực của SV, giảng viên mà còn cần nhiều giải pháp khác nhau tác động vào quá trình bổ sung đào tạo KNV cho SV của lãnh đạo cơ sở GDĐH.
ThS. Trần Văn Hùng
________________________________________
Tài liệu tham khảo
1. Trần Quang Đại. “Báo động về văn hóa viết”, http://dantri.com.vn/c202/s202-375215/bao-đong-ve-van-hoa-viet.htm.
2. Chu Văn Đức. Giáo trình kỹ năng giao tiếp. NXB Hà Nội, 2005.
3. Ronald T. Kellogg and Bascom A. Raulerson III. “Improving the writing skills of college students”. Psychonomic Bulletin & Review, 14, 237-242, 2007.