Nâng cao hiệu quả tự chủ đại học từ sửa Luật Giáo dục Đại học

GD&TĐ - Ủng hộ chính sách mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) sửa đổi - theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đây là điều cần phải làm để nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH, phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình thí điểm tự chủ ĐH công lập theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học để tăng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học
Trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học để tăng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Hội đồng trường phải có thực quyền

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng cần có quy định rõ các cấp độ tự chủ, vai trò và trách nhiệm của bộ chủ quản và Hội đồng trường; cụ thể hóa các quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH trong từng hoạt động của nhà trường theo từng cấp độ tự chủ; bổ sung quy định về một cơ quan độc lập nhà nước quản lý vốn và tài sản của các trường ĐH công lập.

Để thực hiện tự chủ ĐH, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy Hội đồng trường phải có thực quyền. Trong Dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi, nội dung này được thể hiện ở Điều 16. Quan điểm của PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Quy định Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện quyền sở hữu đồng thời đại diện quyền lợi của các bên liên quan của cơ sở GD ĐH (chung cho trường công lập và trường tư thục).

Chỉ nên quy định các thành phần đương nhiên của Hội đồng trường, bao gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn thanh niên; các thành phần khác được bầu (bao gồm cả ứng viên hiệu trưởng phải trúng cử).

Nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường (tiêu chuẩn hiệu trưởng phải là thành viên của Hội đồng trường). Quy định giảm nhẹ quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng.

Lược bớt các quy định cụ thể trong hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế có nhiều chi tiết quá cụ thể để tăng quyền chủ động cho các trường, đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và nên giao quyền cho Thủ tướng quy định cho từng hoạt động.

Yếu tố quan trọng của tự chủ ĐH

Trong Dự thảo Luật GD ĐH, vấn đề tài chính tài sản được xem là một trong các nội dung cơ bản cần đổi mới, là yếu tố quan trọng của quyền tự chủ ĐH.

Ủng hộ tinh thần này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đến quy định nguyên tắc căn bản trong tài chính GD ĐH là theo “lợi ích” và “hiệu quả”, cụ thể:

Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho đào tạo và nghiên cứu cho các lĩnh vực nằm trong lợi ích quốc gia đối với các cơ sở GD đào tạo thực hiện hiệu quả nhất, đồng thời thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ người học không phân biệt công tư. Người học chia sẻ chi phí đào tạo vì lợi ích phát triển cá nhân và gia tăng cơ hội nghề nghiệp. Doanh nghiệp trả một phần chi phí đào tạo theo số lượng và mức thu nhập của những sinh viên tốt nghiệp được nhận vào làm.

Bên cạnh đó, quy định cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ theo “gói cam kết đầu ra” đối với cơ sở GD ĐH tự chủ có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ, qua đó tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Quy định cụ thể cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo các ngành mũi nhọn thuộc lợi ích quốc gia, đào tạo sau ĐH theo định hướng nghiên cứu.

Quy định việc trường tự chủ được góp vốn liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ thông qua thương hiệu và tài sản của nhà trường (định giá tài sản góp vốn theo từng dự án hợp tác, không cần định giá toàn bộ tài sản để Nhà nước giao vốn).

Đẩy mạnh tuyên truyền về tự chủ ĐH

Đưa ra những vấn đề cơ quan có thẩm quyền và các bên có liên quan cần tập trung giải quyết để thúc đẩy tự chủ ĐH, PGS.TS Hoàng Minh Sơn kiến nghị: Các cơ quan có thẩm quyền rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất chỉnh sửa và bổ sung để phù hợp với cơ chế tự chủ ĐH nói riêng và thúc đẩy phát triển GD ĐH nói chung; triển khai thực hiện các cam kết của nhà nước về miễn thuế, hỗ trợ lãi suất, tăng mức vay vốn cho sinh viên...

Ngay từ năm 2018, Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách cho các trường tự chủ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; bù khoán kinh phí chi thường xuyên bị cắt bằng kinh phí cấp theo cơ chế đặt hàng đào tạo và đặt hàng nghiên cứu, trong đó chú trọng hơn vào đặt hàng nghiên cứu cho các trường ĐH trọng điểm theo “gói cam kết đầu ra”. Ưu tiên dành các khoản vốn vay ODA, vay ưu đãi cho các trường tự chủ; hỗ trợ lãi suất vay cho các trường.

Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến chỉ đạo các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền về tự chủ ĐH, tạo sự đồng thuận thay đổi nhận thức trong toàn xã hội; thực hiện đồng loạt cơ chế tự chủ cho tất cả các trường, nhưng theo cấp độ khác nhau.

“Sửa đổi những quy định trong Luật GD ĐH và Luật Viên chức về vị trí, chức danh giảng viên, biên chế người lao động:

Quy định các loại biên chế giảng viên có thời hạn và không có thời hạn; sửa đổi các quy định để tạo sự chủ động tối đa cho các trường trong tuyển dụng, quản lý và sử dụng giảng viên đạt hiệu quả cao nhất.

Bổ sung quy định cụ thể về các chức danh giảng viên (giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên, trợ giảng), thống nhất giữa 2 luật; giao quyền tự chủ cao hơn cho các trường trong việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.

Quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý những người lao động khác trong trường thực hiện theo Bộ luật Lao động, không theo Luật Viên chức”. PGS.TS Hoàng Minh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ