Tham gia tập huấn có các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên của các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tại TP HCM.
Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhấn mạnh: “Qua buổi tập huấn, ban tổ chức hi vọng cung cấp nhiều thông tin mới cho các phóng viên, biên tập viên về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí. Từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá”.
Tại buổi tập huấn, Ths.Đào Thế Sơn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu thông tin trên thị trường xuất hiện các nhóm sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó thuốc lá điện tử có nicotine nung nóng một loại dịch chứa nicotine tạo ra khí aerosol người sử dụng sẽ hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất propylene glycol hoặc glycerin.
Toàn cảnh buổi tập huấn. |
Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử, shisha điện tử và thuốc lá điện tử không chứa nicotine. Thuốc lá nung nóng, nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ gây ung thư.
Ths.Đào Thế Sơn cho rằng các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sẽ luôn nhắm vào thế hệ trẻ để thu hút người dùng mới. Những nước đang phát triển như Việt Nam vốn có tỷ lệ thuốc lá truyền thống vẫn cao và vẫn tiếp tục bị nhắm vào giới trẻ.
Các sản phẩm được coi là sản phẩm mới thực chất vẫn chỉ là những sản phẩm độc hại mới, nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới đối với thế hệ thanh niên mới.
Các sản phẩm thuốc lá mới sẽ tạo ra một đại dịch kép, tạo ra gánh nặng rất lớn cho Việt Nam. Thế hệ trẻ cần được tiếp tục bảo vệ bởi các chiêu thức của các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia.
Cũng tại tại buổi tập huấn, Ths.Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã cảnh báo xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Việt Nam.
Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13-17 tuổi là 2,6% (nam là 3,6%, nữ là 1,5%). Năm 2021-2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13-15 tuổi là 3.5% (nam 4.3%, nữ 2.8%). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đặc biệt cao ở các thành phố lớn: 8,35% học sinh lớp 8-12.
Theo Ths.Nguyễn Hạnh Nguyên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường…
Đặc biệt, sản phẩm được thiết kế kiểu dáng phong phú, màu sắc bắt mắt theo thị hiếu giới trẻ nhằm thu hút người sử dụng, đặc biệt là thanh thiếu niên.