Nâng cao chất lượng từ hợp tác quốc tế

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Thủ đô chủ động mở rộng hợp tác với các nước nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội tới Trung Quốc giao lưu, học tập trong chương trình 'Cầu nối Trung Quốc' tháng 7/2024. Ảnh: TG
Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội tới Trung Quốc giao lưu, học tập trong chương trình 'Cầu nối Trung Quốc' tháng 7/2024. Ảnh: TG

Những năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô luôn chủ động mở rộng hợp tác với các nước nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Chủ động xa và sớm

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhà trường đã xây dựng lộ trình học tập để phát triển ngoại ngữ, đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Ngày 13/2/2014, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu chính thức gia nhập hệ thống các trường Phổ thông Quốc tế của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) với mã số VN236. Việc thực hiện chương trình tích hợp song ngữ quốc tế Cambridge đã có tác động to lớn và mang lại hiệu quả cao cho thành tích học tập của học sinh.

Các chương trình quốc tế nhà trường đang giảng dạy có thể kể tới như: Cambridge (UK); chương trình tích hợp được Bộ GD&ĐT phê duyệt; dự bị đại học quốc tế: NCUK (UK); khảo thí ủy quyền của College Board (SAT, AP) (US); giáo dục toàn diện: High Performance Learning (UK); đào tạo giáo viên chuẩn quốc tế: TES (UK); chuyển đổi số: Microsoft, Apple (US).

Theo cô Minh Thúy, với nguồn lực như trên, nhà trường đã khai thác, sử dụng chương trình, bộ công cụ, học liệu, phương pháp, định kỳ có các chuyên gia giáo dục quốc tế trực tiếp tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ… Các thầy cô được đào tạo theo chuẩn quốc tế phục vụ giảng dạy cho học sinh, qua đó đáp ứng yêu cầu các kỳ thi học thuật cũng như nghiên cứu khoa học ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh chương trình Cambridge, Trường Nguyễn Siêu còn mở rộng triển khai chương trình quốc tế khác như: Dự bị đại học NCUK, SAT, AP. Trong các kỳ thi SAT năm 2023 và 2024, nhà trường liên tiếp có học sinh đạt điểm thuộc top 1% thế giới với tổng số điểm 1.570, 1.590/1.600.

“Từ năm 2020, Trường Nguyễn Siêu có giáo viên Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn trình độ đứng lớp, trở thành giáo viên quốc tế Cambridge. Đến nay, trong đội ngũ nhân sự giảng dạy chương trình quốc tế tới từ 13 quốc gia, đã có thêm những thầy, cô giáo người Việt. Một số giáo viên đạt trình độ và được công nhận là giám khảo của các kỳ học thuật quốc tế uy tín. Sở GD&ĐT Hà Nội luôn ủng hộ, khích lệ và tạo điều kiện để nhà trường hội nhập quốc tế mạnh mẽ”, cô Minh Thúy thông tin thêm.

nang-cao-chat-luong-tu-hop-tac-quoc-te-1.jpg
Học sinh Trường Nguyễn Siêu trong phòng thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của giáo viên người nước ngoài. Ảnh: TG

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho biết, hưởng ứng chủ trương của sở GD&ĐT về việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế, Trường THPT Phan Đình Phùng những năm qua đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực trong giáo dục và dạy học.

Nhà trường chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới. Đặc biệt, chương trình của lớp Liên kết quốc tế (mở rộng sang cả lớp đại trà) ngoài việc đáp ứng Chương trình GDPT 2018 còn chú trọng hoạt động giao lưu, học tập trải nghiệm với nhiều trường trung học và đại học nổi tiếng các nước như Ba Lan, Anh Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lý nhấn mạnh, từ năm 2018 đến nay, nhà trường tổ chức dạy bộ môn song ngữ như Toán - Tiếng Anh, Khoa học - Tiếng Anh theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn 791 ngày 25/6/2013 của Bộ GD&ĐT về thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông.

Để tiệm cận hợp tác giao lưu quốc tế, cô Lý cho rằng, ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Nhà trường sẽ đẩy mạnh giáo dục môn Ngoại ngữ trong chương trình giảng dạy, đồng thời đưa vào nhiều chương trình ngoại ngữ của các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trường cũng giao lưu, hợp tác với một số trường ở Singapore theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

“Song song với chương trình học, nhà trường tăng cường giao lưu hợp tác với nước ngoài qua nhiều hoạt động. Ví dụ, giao lưu văn hóa hợp tác quốc tế giữa học sinh của trường với Hàn Quốc được triển khai từ năm 2020 dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. Mỗi kỳ, có khoảng 20 thầy cô và học sinh đi trao đổi, học tập tại Hàn Quốc trong 10 ngày”, cô Nguyễn Thị Lý chia sẻ.

Không chỉ vậy, Trường THCS Nguyễn Du cũng tăng cường cho học sinh trải nghiệm không gian văn hóa, tham gia các chương trình giao lưu do Đại sứ quán các nước ở Hà Nội tổ chức. Học sinh nhà trường thường xuyên được Cục Lễ tân (Bộ Ngoại giao) và Sở Ngoại vụ Hà Nội tin tưởng, giao nhiệm vụ tham gia đón đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam như Nga, Mỹ, Trung Quốc... tại Phủ Chủ tịch.

“Các hoạt động giáo dục theo diện hợp tác quốc tế đã giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, chuẩn bị tốt và định hướng; tạo động lực cho việc tiếp tục lựa chọn con đường học tập trong tương lai của các em. Từ đó, cha mẹ và học sinh thêm tin tưởng vào những hoạch định đúng đắn của nhà trường, yêu quý hơn ngôi trường có bề dày truyền thống mà con em đang học tập” - Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/ITN

Lợi đây, hại kia

GD&TĐ - Ông Trump coi trọng và tập trung ưu tiên trước hết vào cái lợi về đối nội trước mắt và cố tình làm ngơ cái lợi bất cập hại đối với nước Mỹ.