Nâng cao chất lượng Trạm Y tế xã, phường: Hồ sơ sức khỏe liên thông theo tuyến

GD&TĐ - Trạm Y tế xã, phường là nơi khám và điều trị bệnh đầu tiên cho người dân.Việc nâng cao chất lượng trạm y tế xã về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ sẽ mang lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những rào cản.

Trạm y tế xã cần quan tâm điều trị các bệnh mãn tính
Trạm y tế xã cần quan tâm điều trị các bệnh mãn tính

Còn nhiều hạn chế

Kinh nghiệm từ các nước và thực tiễn cho thấy, khoảng 80 - 90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở.

Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhẹ, tránh tốn kém và tránh bệnh nặng mới đi chữa. Song, hiện nay người dân còn thiếu tin tưởng vào trạm y tế xã, nên thường vượt tuyến.

Cụ thể, 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân lên tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Do trạm y tế xã chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiều người chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, việc khám, phát hiện bệnh sớm còn yếu.

Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít (trạm y tế xã chỉ thực hiện được 50 - 70% dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến). Khó khăn lớn tại các trạm y tế xã là nhân lực thiếu và yếu.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế cơ sở thì cần có sự liên thông với bệnh viện huyện. Hiện nay ở một số nước trên thế giới, nhân lực ở bệnh viện huyện hàng tuần đều phải xuống trạm y tế xã khám, chữa bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh mãn tính. Nếu ngành Y tế của Việt Nam làm tốt công tác này, chắc chắn sẽ thu hút số lượng lớn người dân tới khám và điều trị bệnh tại các trạm y tế xã, phường.

Tuy nhiên, ngành Y tế còn vấp phải những rào cản:“Có bệnh nhân cứ lên Bạch Mai khám tiểu đường vì họ nói ở tuyến dưới không có thuốc này. Tại sao không đưa thuốc bảo hiểm này được xuống tuyến dưới? Đây là một bất cập giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu vấn đề.

Chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bác sĩ cho tuyến dưới

Năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm mô hình tại 26 trạm y tế thuộc tám tỉnh, thành. Với chính sách BHYT, cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, cùng việc chuyển giao các kỹ thuật, bước đầu các trạm y tế xã, phường đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số trạm y tế xã tại Hà Nội, Bạc Liêu, Đồng Tháp làm xã hội hóa rất tốt, nên thu hút 100 người khám/ngày.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mãn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản… Sở Y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại trạm y tế xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…
 

“Chúng tôi đi thăm một số trạm y tế ở Sóc Sơn, Hà Nội, bác sĩ ở trung tâm y tế huyện, thậm chí có cả bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn về khám nên bệnh nhân đến trạm y tế rất đông”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ triển khai thêm Đề án hướng tới y tế xã phường bao gồm: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, luân chuyển cán bộ từ tuyến huyện, tỉnh, thậm chí tuyến Trung ương xuống tuyến xã/phường, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, y tế dự phòng, nhân lực; Đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn ngân sách địa phương… giúp người dân đặt niềm tin hơn nữa với nơi khám chữa bệnh ban đầu của mình.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: Xác định y tế cơ sở là nền tảng, y tế dự phòng là then chốt, trong những năm qua, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị y tế.

HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho trạm y tế xã, phường, trong việc đào tạo chuyển đổi nhân viên y tế đang công tác tại trạm theo tiêu chí đạt chuẩn; Hỗ trợ kinh phí để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015 - 2020…

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân từ nơi khám chữa bệnh ban đầu, ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng: Việc lập hồ sơ điện tử cho người dân là rất quan trọng. Hồ sơ sức khỏe cá nhân phải được bảo mật.

Theo ông Châu, tỉnh vẫn có những khó khăn vướng mắc: Nhân lực lập hồ sơ sức khỏe chủ yếu là cán bộ của trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản, kỹ năng công nghệ thông tin, máy tính chưa đáp ứng yêu cầu; Cán bộ y tế so với dân số trên địa bàn cũng như trang thiết bị chưa thể đáp ứng công việc điều tra trong thời gian ngắn (6 tháng).

Người dân chưa có mã định danh, nên trong quá trình liên thông dữ liệu từ các phần mềm khám chữa bệnh (VNPT, Viettel, FPT…) vào hệ thống hồ sơ sức khỏe chưa trùng khớp. Vì vậy, Sở Y tế Hà Tĩnh đã đưa ra kiến nghị: Bộ cần sớm ra quy định về chuẩn hóa mã ID y tế cá nhân (BHXH là mã An sinh, Mã công dân…).

Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cần hỗ trợ chỉ đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương và các đơn vị liên quan thực hiện kết nối dữ liệu với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân tại tỉnh để liên thông từ tuyến dưới lên tuyến trên và ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.