Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo là yêu cầu cấp thiết

GD&TĐ - Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 22 - 26/8. Đây là Hội nghị Ngoại giao đầu tiên được tổ chức sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhằm đánh giá lại công tác đối ngoại thời gian qua và xác định tư duy mới cho thời kỳ mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Hôm nay (23/8), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tham dự hội nghị và có bài phát biểu quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đã được tích cực triển khai, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thông qua các hoạt động ngoại giao và hội nhập quốc tế của nước ta.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị:

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kính thưa đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Kính thưa các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Đại sứ, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

Thưa toàn thể Hội nghị!

Trước hết, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giao đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị quan trọng ngày hôm nay. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa Hội nghị!

Những năm qua, các hoạt động ngoại giao và hội nhập quốc tế của nước ta, trong đó có hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đã được tích cực triển khai, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ý thức được tầm quan trọng của hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà ngành sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới.

Trước hết là hội nhập quốc tế về đào tạo thông qua các hoạt động liên kết đào tạo, kiểm định chất lượng, công nhận văn bằng, tín chỉ... Nhiệm vụ này thời gian qua chủ yếu được thực hiện bởi các trường đại học của Việt Nam thông qua các hoạt động hợp tác song phương với các trường đại học nước ngoài, chưa có sự triển khai một cách hệ thống, bài bản nên hiệu quả chưa cao. Thời gian tới ngành Giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, không chỉ trong giáo dục đại học mà cả trong giáo dục phổ thông. Làm tốt nhiệm vụ này chúng ta sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo tốt, học tập được kinh nghiệm đào tạo của các nước có nền giáo dục phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.

Thứ hai là hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, thông qua các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học của Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Đây là điểm còn hạn chế trong hội nhập quốc tế của nước ta thời gian qua. Nếu làm tốt nhiệm vụ này thì chúng ta sẽ tranh thủ được kinh nghiệm, công nghệ và khả năng sáng tạo của các nhà khoa học nước ngoài để giải quyết các bài toán thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và chất lượng các hoạt động đào tạo của nước ta.

Thứ ba là hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên. Đây là hoạt động truyền thống, phổ biến thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động này thường diễn ra riêng lẻ, chưa có một kế hoạch tổng thể để thông qua đó chúng ta có thể quản lý hiệu quả và có được nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của đất nước. Làm tốt công tác trao đổi giảng viên, sinh viên cũng sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về văn hóa, con người giữa nước ta với các nước.

Kính thưa Hội nghị,

Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo là yêu cầu cấp thiết. Hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo không chỉ góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo mà còn góp phần nâng cao hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, để hội nhập hiệu quả cần phải có nội dung, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng thời rất cần sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ Bộ Ngoại giao, đặc biệt là từ các đồng chí Đại sứ, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Nhân đây tôi cũng xin chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao, các đồng chí Đại sứ, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã hợp tác, hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng đề nghị các đồng chí phối hợp, hỗ trợ một số công việc sau:

Một là, thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu hợp tác của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nước sở tại sau khi đã thẩm định kỹ năng lực và tiềm năng phát triển của đối tác. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu và giao cho các cơ sở giáo dục và đào tạo có năng lực phù hợp để triển khai, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo, các nhà khoa học của Việt Nam liên hệ, tìm kiếm đối tác phù hợp của nước sở tại để thiết lập các quan hệ hợp tác ban đầu cũng như trong quá trình triển khai.

Hai là, giới thiệu các mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới, các kinh nghiệm hay trong cải cách giáo dục; giới thiệu các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài có uy tín đến Việt Nam làm việc, đồng thời, vận động các nhà khoa học, giảng viên, lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc.

Ba là, đôn đốc cơ quan quản lý giáo dục cũng như các đối tác của nước sở tại thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hoặc các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam với Chính phủ, các cơ sở giáo dục và đào tạo của nước ngoài.

Bốn là, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, diễn đàn quốc tế lớn về giáo dục và đào tạo.

Năm là, hỗ trợ công tác quản lý lưu học sinh và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những địa bàn không có cán bộ chuyên trách phụ trách hợp tác về giáo dục.

Chúng tôi mong muốn Việt Nam quan hệ hợp tác ở đâu, giáo dục phải hiện diện ở đó. Chúng ta đã làm tốt ngoại giao về chính trị, tích cực triển khai ngoại giao về kinh tế, mong rằng thời gian tới sẽ thúc đẩy ngoại giao về giáo dục. Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đồng chí Đại sứ, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hãy là những cánh tay nối dài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sát cánh, chia sẻ thông tin thường xuyên với chúng tôi.

Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn các đồng chí. Kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu. Chúc các đồng chí Đại sứ, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.