Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cùng các thầy cô giáo dạy tiếng Anh trong cả nước.
Hội thảo về đổi mới công tác tuyển dụng, bồi dưỡng GV tiếng Anh tiểu học được tổ chức nhằm tập trung trao đổi về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho việc nâng cao chất lượng tuyển dụng, bồi dưỡng GV tiếng Anh cấp tiểu học để ngay từ năm học 2016-2017, 100% học sinh lớp 3, 4, 5 trên toàn quốc được học tiếng Anh, tiến tới được học đủ 4 tiết/tuần, đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Khó khăn lớn nhất khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học chính là vấn đề đội ngũ giáo viên giảng dạy. Số lượng thì chưa đủ, chất lượng thì chưa đảm bảo.
Để đủ số lượng giáo viên cho việc thực hiện dạy 4 tiết/tuần vào năm học 2018 theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới và theo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, các trường tiểu học sẽ cần thêm nhiều giáo viên nữa, đặc biệt ở các vùng khó.
Chất lượng giáo viên tiểu học so với giáo viên THPT và THCS thì có sự khác biệt. Trước kia, tiếng Anh là môn tự chọn, các trường tuyển giáo viên vào dạy, hầu hết đều không đạt chuẩn. Nói chung là không có nhiều giáo viên tiểu học chuyên về tiếng Anh mà chỉ tuyển giáo viên khác về dạy tiểu học.
Điều này gây khó khăn cho các cán bộ quản lý giáo dục. Khi đã tuyển dụng rồi thì không có chỗ để tuyển người khác. Sau đó là vấn đề chuyên môn yếu, rất khó để bồi dưỡng vì nhiều người học chắp vá, chất lượng kém.
Việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trong những năm gần đây diễn ra tương đối tốt nhưng vẫn còn tình trạng người đi bồi dưỡng không chú tâm vào học và người tổ chức bồi dưỡng không tạo điều kiện cho giáo viên đi học. Các cơ sở bồi dưỡng giáo viên, nhất là các trường cao đẳng ở địa phương cũng thiếu trách nhiệm. Hậu quả là người được đi bồi dưỡng không đạt chuẩn.
Trong quá trình bồi dưỡng, chất lượng còn hạn chế. Việc kiểm tra chất lượng đầu vào, kiểm tra đầu ra cũng có nhiều bất cập, gây dư luận không tốt.
Nếu quá trình bồi dưỡng giáo viên kém hiệu quả thì sẽ tốn tiền, khổ cả giáo viên, khổ cả giảng viên và cuối cùng thì không đạt được yêu cầu. Nếu không có đủ giáo viên đạt chuẩn để dạy học sinh và dạy không đạt yêu cầu thì sẽ không đạt chuẩn đầu ra ở cấp tiểu học, và sẽ gây khó khăn cho việc dạy học ở các cấp học trên như THCS và THPT. Do đó đây là vấn đề mấu chốt cần tháo gỡ, để đến năm 2018 giải quyết triệt để được vấn đề này- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan đến thực trạng, giải pháp cho công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên tiếng Anh tiểu học theo yêu cầu chất lượng và lộ trình của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Cùng với đó là thực trạng, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Các đại biểu cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tế đã triển khai tại các địa phương để cùng bàn bạc, thống nhất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng GV tiếng Anh , đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới.
Hầu hết giáo viên tiếng Anh (kể cả trong biên chế và hợp đồng giảng dạy) đều không đạt yêu cầu chất lượng cả về năng lực tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm.
Việc học bồi dưỡng để chuẩn hóa trình độ tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng; giáo viên vừa phải dạy vừa phải đi học bồi dưỡng, không ít giáo viên có trình độ quá thấp - khó có thể chuẩn hóa; kinh phí tổ chức lớp học không đủ;
Một số giảng viên, học viên không ý thức đầy đủ về trách nhiệm trong giảng dạy, học tập; một số sinh viên ra trường bảo đảm chất lượng nhưng không có chỗ (vì các trường không còn chỉ tiêu biên chế) để dự tuyển; một số khác lại không thích làm giáo viên tiểu học vì chế độ không đảm bảo.
Hiện nay, qua vài năm bồi dưỡng tích cực, số giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn bậc 4 là 10.488 (chiếm 48,94%), số giáo viên tiếng Anh THCS đạt chuẩn bậc 4 là 13.846 (chiếm 41,30%), số giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn bậc 5 là 5.151 (chiếm 30,20%).
Nhưng trong số này, không phải tất cả đều có được năng lực dạy học như mong đợi. Với 51,06% GV tiểu học, 58,7% GV THCS, 69,8% GV THPT chưa đạt chuẩn còn lại, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng. Đây là khó khăn, rào cản lớn cho việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình tiếng Anh mới.