(GD&TĐ) - Những ngày tháng 5, không khí tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp (TT GDTX - HNDN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam “sôi động” với các hoạt động giảng dạy, triển khai chương trình ôn tập cho học sinh chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Từ thay đổi cách nghĩ
Khác với những suy nghĩ “truyền thống” cho rằng đối tượng vào học tại các TT GDTX - HN là học sinh “cá biệt” về kết quả học tập cũng như rèn luyện… Lãnh đạo nhiều TT GDTX - HNDN cho rằng, không thể đánh giá HS của các trung tâm là hư hỏng hay cá biệt dù đa phần các em đều có học lực, hạnh kiểm yếu kém, là đối tượng đã nghỉ học nhiều năm nay mới đi học trở lại.
Thầy Hồ Như Nghị chia sẻ: “Ngoài đối tượng là HS chậm tiến, không chí thú “học hành” ở cấp THCS, dẫn đến không thi đậu vào các trường THPT hay nghỉ học giữa chừng; ở Trung tâm còn có các học viên là những công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, cuộc sống thường ngày kém may mắn. Con đường học tập không được suôn sẻ. Có thấu hiểu được hoàn cảnh của từng học sinh thì công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức giảng dạy, kèm cặp học sinh mới có hiệu quả”.
Theo thầy Trần Ngọc Bản, Phó Giám đốc TT GDTX - HN quận Sơn Trà (Đà Nẵng), trong một thời khá dài trước đây và cho đến hiện nay nhiều người vẫn còn nhìn nhận, chất lượng giáo dục của hệ GDTX là một vấn đề bất cập của ngành Giáo dục. Họ cho rằng, vì đa số HS vào học tại các TT GDTX - HN có năng lực học tập rất hạn chế, nhận thức chậm, nhiều học sinh lười học, ý thức tổ chức kỷ luật kém. Số học viên là cán bộ và người lao động do đã nghỉ học một thời gian dài, nên các kiến thức cơ bản hầu như bị mất hết, rất khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức mới, nhất là trong giai đoạn đổi mới giáo dục. Đặc biệt, có ý kiến khẳng định hiện nay các TT GDTX - HN đã hết “vai trò lịch sử” trong hệ thống giáo dục quốc dân nước ta. Trong khi đó, nhiều người quên rằng, giáo dục văn hóa chỉ là một trong nhiều chức năng, nhiệm vụ của trung tâm GDTX - HN. Mặt khác, trong thời gian qua, các TT GDTX - HN dần dần được trang bị thêm hệ thống cơ sở vất chất, trang thiết bị ngày càng đồng bộ, các trung tâm GDTX - HN càng chủ động hơn trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường hoạt động chuyên môn, tăng thời lượng học, bồi dưỡng học sinh yếu kém, cũng như thực hiện đổi mới công tác kiểm tra đánh giá hoạt động giảng dạy và học tập.
Chất lượng GDTX đang từng bước được cải thiện. Ảnh: Hồng Giang |
Đến đổi mới cách làm
Khác với những trường THPT, HS các trung tâm GDTX - HNDN có chất lượng đầu vào còn quá thấp, trong khi đó phần lớn các HS có hoàn cảnh rất khó khăn và có thể nói là rất đặc biệt. Điều kiện học tập cũng như sự quan tâm của gia đình còn nhiều hạn chế, nên công tác duy trì sĩ số HS càng là một thách thức lớn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Mục tiêu làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục luôn là vấn đề mà các trung tâm GDTX - HNDN băn khoăn và trăn trở. Vì vậy, mà trong thời gian qua các TT GDTX - HN không chỉ xem mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học là nhiệm vụ, còn là trách nhiệm đối với xã hội, với ngành, với người học.
Được đánh giá là một trong những trung tâm GDTX -HNDN hoạt động hiệu quả, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề đạt nhiều bước chuyển biến rõ nét trong nhiều năm qua của thành phố Đà Nẵng, năm học 2012 - 2013, Trung tâm GDTX - HNDN quận Liên Chiểu tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Theo thầy Hồ Như Nghị, Giám đốc TT muốn nâng cao được chất lượng dạy học, trước hết phải thay đổi nhận thức của HS về việc học của mình. Song, để thực hiện được điều này thật không đơn giản, vì vốn dĩ trong một thời gian khá dài các em không còn hứng thú với chuyện học hành. Do vậy, các hoạt động dạy học trên lớp không nên gò bó các em trong bốn bức tường lớp học, cần tăng cường các hoạt động ngoài giờ, lồng ghép chương trình giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em. Đồng thời, tạo dựng một môi trường học tập tại trung tâm thật sự thân thiện, tích cực để thu hút học sinh đến lớp, có cảm giác hứng thú với chuyện học”.
Nhằm phân tích và đánh giá đúng kết quả học tập của mỗi HS trong từng môn học để điều chỉnh kế hoạch dạy học, hiện các TT GDTX -HN đều đang triển khai kiểm định chất lượng sau mỗi kỳ thi hay kiểm tra. Đây là một giải pháp được triển khai thực hiện trong nhiều năm học qua. Tuy nhiên, trong năm học này được các trung tâm GDTX - HN thường tổ chức thực hiện bài bản và đi vào thực chất hơn.
Phan Thắng