Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại cuộc thảo luận. Ảnh: N,N |
Buổi thảo luận có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, Bí thư trung ương Đoàn TNCSHCM Nguyễn Đắc Vinh cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo trường ĐH Ngoại thương và đông đảo các giảng viên, sinh viên trong trường.
Để chuẩn bị cho diễn đàn, nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương đã tự làm một cuộc khảo sát với số lượng hơn 1000 sinh viên tại 5 trường ĐH ở Hà Nội. Theo khảo sát này, có đến 90% sinh viên cho rằng cơ sở vật chế và các trang thiết bị của trường là vô cùng thiếu thốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên; tình trạng thiếu sách, thiếu phương tiện giảng dạy và nghiên cứu là thực trạng tồn tại ở hầu hết các trường. 64% sinh viên được khảo sát chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp cho mình; 35% sinh viên biểu lộ phong cách học tập thụ động; 64% mong muốn được đi thực tế những kiến thức mình đã học ở trên lớp và 33% thừa nhận đó là phương pháp giúp mình học tập hiệu quả hơn. Về cách kiểm tra đánh giá, 43% sinh viên cho rằng cần có một thước đo phù hợp hơn nữa để đánh giá đúng trình độ của sinh viên... |
Mở đầu diễn đàn, Th.s Phan Thị Vân, giảng viên môn Đầu tư nước ngoài ĐH Ngoại thương nhấn mạnh đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo ý kiến của giảng viên này, việc hướng giảng viên trẻ đến hoạt động nghiên cứu, say mê nghiên cứu khoa học không hề đơn giản. Lý do được đưa ra là, với giảng viên vừa tốt nghiệp đại học vào trường trong giai đoạn tập sự, sự lo lắng để hoàn thiện bài giảng, lên lớp dạy không bị sinh viên chê, hoàn thành các công việc của khoa và bộ môn giao, chuẩn bị xin học bổng du học đã chiếm hết quỹ thời gian, không còn thời gian để nghiên cứu khoa học nữa. Phần lớn các thầy cô chỉ cố gắng sao cho đạt số giờ chuẩn về nghiên cứu khoa học, mỗi năm có 1-2 bài đăng kỷ yếu hội nghị khoa học của khoa, trường hoặc có tên trong đề tài nghiên cứu khoa học của bộ môn.
Giảng viên trẻ này thừa nhận, với nhiều người, nghiên cứu khoa học chỉ là nghĩa vụ, không phải niềm đam mê; tâm lý “sợ” viết bài còn tồn tại vì cho rằng đó là cái gì đó cao siêu, khó tiếp cận hoặc không thích viết vì cho rằng sản phẩm của mình viết ra liệu có ích lợi gì cho xã hội.
Giảng viên Phan Thị Vân cho rằng, để khuyến khích được các giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học, nhà trường nên có những cơ chế khuyến khích, ví dụ như giảm tải công việc giảng dạy; cho phép chuyển đổi giờ nghiên cứu khoa học và giảng dạy lẫn nhau; tạo điều kiện cho giảng viên có thêm đề tài nghiên cứu để tăng thu nhập; tổ chức định kỳ các buổi tọa đàm khoa học; khen thưởng xứng đáng những đề tài khoa học xuất sắc...
Nếu như các giảng viên trẻ băn khoăn về thu nhập, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học thì mối quan tâm của sinh viên lại tập trung vào cơ sở vật chất phục vụ học tập; phương pháp học; môi trường sống và học tập; các hoạt động phong trào; vấn đề việc làm sau khi ra trường.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, dưới góc nhìn của người học, sinh viên Hoàng Thu Thủy (Phó Bí thư chi đoàn N2-K46 – ĐH Ngoại thương) thẳng thắn yêu cầu, trước hết giảng viên phải hiểu rõ nhu cầu của sinh viên, qua đó, để sinh viên được chủ động trong mỗi bài học trên lớp; hỗ trợ sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm bằng cách đa dạng hóa hình thức giảng dạy; tạo điều kiện cho sinh viên được tham quan thực tế, được thực hành. Thủy cũng bày tỏ mong muốn, nhà nước có thể dành một khoản ngân sách xứng đáng cho tất cả các trường ĐH để xây dựng các phòng lab, phòng máy tính, thư viện có truy cập internet miễn phí hay với chi phí thấp để sinh viên có thể học tập và tiếp thu những thông tin khoa học mới nhất.
Sinh viên Vũ Quốc Anh – sinh viên năm thứ 3, Chủ tịch CLB Nguồn nhân lực (ĐH Ngoại thương) nhấn mạnh đến những kỹ năng sinh viên cần có sau khi ra trường. Có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà tuyển dụng, sinh viên này cho rằng, các trưởng phòng nhân sự luôn đánh giá cao hai kỹ năng cơ bản của sinh viên, đó là kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, đây lại chính là điểm yếu của các sinh viên. Việc thiếu kỹ năng làm việc, đặc biệt là các kỹ năng mềm chính là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường khó kiếm được việc làm như mong muốn.
Đâu là nơi trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, đâu là môi trường để các bạn ngoài việc học tập còn được hoạt động? – đó chính là đoàn, hội. Và, vai trò đoàn, hội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng là một trọng tâm của buổi thảo luận.
Buổi thảo luận nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn của sinh viên.Ảnh: N.N |
Sinh viên Vũ Quốc Anh, khi nói về vai trò đoàn, hội đã khẳng định, đó chính là yếu tố chủ chốt tạo nên sự bùng nổ, năng động, tự tin của sinh viên đại học Ngoại thương. Đoàn trường ĐH Ngoại thương luôn là tổ chức đi đầu trong các phong trào, hoạt động sinh viên trên toàn thành phố Hà Nội. Với cơ chế quản lý thông thoáng và gần 30 CLB chia làm 3 nhóm: CLB chuyên môn, CLB phong trào và CLB tiếng, Đoàn Ngoại thương đã tạo nên một sân chơi thực sự bổ ích cho các bạn sinh viên. Các chương trình, sự kiện, hoạt động của đoàn, hội và các CLB sinh viên một mặt giúp các thành viên tham gia được trải nghiệm, tiếp xúc với thực tế, ứng dụng và rèn luyện các kỹ năng cơ bản còn là một nguồn trợ giúp đắc lực cho công tác đào tạo, tư vấn, định hướng cho các sinh viên với các hoạt động tuyển dụng việc làm, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp...
Chủ trì tại buổi thảo luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã trả lời thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của các sinh viên. Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp, cũng như cố gắng, quyết tâm của các giảng viên trẻ, sinh viên ĐH Ngoại thương trong việc đổi mới giáo dục đại học.
Thứ trưởng nhấn mạnh: xã hội không quan tâm đến việc chúng ta đổi mới công tác quản lý như thế nào mà quan tâm đến chất lượng đào tạo của các trường ra sao, sinh viên ra trường có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không? Sinh viên là một lực lượng hùng hậu, vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học cần có sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng này cùng với sự tham gia của đoàn thanh niên, các cấp đoàn...
Thứ trưởng chỉ đạo, sau cuộc thảo luận này, cùng với nhà trường thì đoàn trường, liên chi đoàn xây dựng chương trình hành động cho riêng mình; với cấp chi đoàn cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động và từng đoàn viên cũng nên có kế hoạch xây dựng chương trình của mình để rèn luyện, phấn đấu thành sinh viên toàn diện, ra trường có việc làm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội.
Hiếu Nguyễn