Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cùng lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các trung tâm KĐCLGD, các trường đại học và đại diện một số Sở GD&ĐT.
Hoạt động không thể thiếu trong việc giao quyền tự chủ
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, từ khi ban hành Luật Giáo dục đại học đến nay, chúng ta xác định công tác kiểm định chất lượng giáo dục là một hoạt động quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện GD&ĐT, đó là hoạt động không thể thiếu trong việc giao quyền tự chủ cho các trường. Hội nghị là dịp để chúng ta trao đổi, đánh giá lại công tác kiểm định, trả lời những câu hỏi: Các trung tâm KĐCLGD đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình hay chưa? Công tác kiểm định đã được tiến hành một cách công bằng và khách quan hay chưa?
Đối với KĐCLGD các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, lâu nay việc tiến hành đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng là do các Sở GD&ĐT thực hiện; các Sở GD&ĐT kiểm định các trường thuộc phạm vi quản lí của mình nên cũng khó đảm bảo sự khách quan, độc lập. Vì thế, trong giai đoạn sắp tới cần nghiên cứu mô hình phù hợp hơn như có các trung tâm KĐCLGD để đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã cấp phép hoạt động cho 4 tổ chức KĐCLGD gồm Trung tâm KĐCLGD – ĐHQG Hà Nội; Trung tâm KĐCLGD – ĐHQG TPHCM; Trung tâm KĐCLGD- Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm KĐCLGD – Đại học Đà Nẵng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, các Trung tâm KĐCLGD đã đạt được một số kết quả nhất định, đã đánh giá ngoài được cho 71 trường đại học và 02 trường cao đẳng sư phạm, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho 46 trường đại học và 01 trường cao đẳng sư phạm; đã tích cực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng trong việc xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về đảm bảo và KĐCLGD.
Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng kể, nhưng trong quá trình triển khai công tác KĐCLGD vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: hệ thống văn bản còn có những hạn chế bất cập, một số văn bản chưa được ban hành kịp thời; mức độ quan tâm không đồng đều đến công tác đảm bảo và KĐCLGD giữa nhà trường; tốc độ triển khai hoạt động giữa các trung tâm KĐCLGD không đồng đều; cơ chế tài chính cho công tác kiểm định vẫn còn có bất cập…
Đại diện Trường ĐH Duy Tân phát biểu tại Hội nghị |
Người “cầm cân nảy mực”
16 ý kiến phát biểu tại hội nghị đều đưa ra các giải pháp như: nâng cao chất lượng tự đánh giá, công tác đảm bảo chất lượng bên trong; nâng cao chất lượng đánh giá ngoài, cải tiến chất lượng sau đánh giá; nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển chọn kiểm định viên; đề xuất mô hình KĐCLGD đối với giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn sau năm 2020.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trường Bùi Văn Ga đánh giá cao sự nỗ lực của các trung tâm KĐCLGD trong thời gian qua. Thứ trưởng mong các trung tâm ngày càng phát triển và hoạt động tốt hơn, là người “cầm cân nảy mực” để góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT; đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để quảng bá hình ảnh của các trường đã được kiểm định cũng như các trung tâm KĐCLGD.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng phát biểu tại hội nghị |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cũng cho rằng, thời gian qua, các trung tâm đã góp phần quan trọng tạo được sự chuyển biến trong công tác đảm bảo và KĐCLGD trên phạm vi cả nước. Đánh giá cao kết quả hoạt động của các trung tâm nhưng cũng nhìn nhận thực tế khó tránh khỏi đó là sự chưa đồng đều giữa các trung tâm.
Ông Mai Văn Trinh đề xuất, các trung tâm cần phải chủ động tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các kiểm định viên và đánh giá viên; quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của các báo cáo đánh giá ngoài, trong đó phải khẳng định được những mặt mạnh của các trường cũng như những vấn đề cần cải tiến để nâng cao chất lượng; cần tăng cường truyền thông về đảm bảo và kiểm định chất lượng từ các trung tâm KĐCLGD, các trường cũng như ở Bộ GD&ĐT; cần nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm KĐCLGD phù hợp nhất để đánh giá chất lượng khối giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên cho giai đoạn tới.