Nâng bước cho em tới trường

Nâng bước cho em tới trường

Cơ sở vật chất được tăng cường trong các trường học có học sinh DTRIN
Cơ sở vật chất được tăng cường trong các trường học có học sinh DTRIN

(GD&TĐ) - Các dân tộc rất ít người (DTRIN) ở Việt Nam chủ yếu cư trú trên địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh miền núi biên giới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk. Việc thực hiện Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người (Đề án 2123) đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTRIN cả về lượng và chất. 

Giáo dục DTRIN ngày càng được đầu tư

Tại Hà Giang, từ khi đi vào triển khai Đề án 2123, tỉnh đã tạo điều kiện cho học sinh DTRIN được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt. Học sinh DTRIN cũng được hưởng các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để có trình độ văn hóa, trình độ nghề, bổ sung vào đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ địa phương và đất nước. Sau 3 năm thực hiện Đề án 3123, cơ sở hạ tầng và chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc rất ít người đã được nâng lên rõ rệt. 

Hà Giang còn được đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường Tiểu học có học sinh DTRIN sinh sống. Sau 3 năm, mạng lưới trường, lớp được phủ khắp tới tận thôn, bản.

Có được kết quả này, ngành Giáo dục tỉnh đã phải cố gắng cân bằng kinh phí, vượt qua những khó khăn do địa hình cách trở, đường giao thông đến các điểm trường vất vả, trượt giá vật liệu xây dựng, số kinh phí chênh lệch so với nguồn lực được cấp lớn, lại gặp khó khăn trong thi công xây dựng.

Để xây dựng được những phòng học, phòng công vụ tại các điểm trường thuộc các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Mê và mỗi điểm trường đều có đầy đủ thiết bị như: bàn ghế; quạt điện, bảng chống lóa, máy cát-sét, đầu đĩa, máy vi tính, ti vi, bàn ghế máy tính... là cả một hành trình đầy gian nan của ngành Giáo dục. 

Cũng từ thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục được nâng lên, nhờ sự phối hợp của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng, cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh nắm được nội dung của đề án nên đã tích cực vận động học sinh DTRIN thuộc các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, PTDT Nội trú và các cơ sở giáo dục khác đi học đầy đủ, hầu như không có học sinh bỏ học, lưu ban. Trong 3 năm học vừa qua, kết quả học tập được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm đáng kể. 

Mặt khác, khi thực hiện Đề án, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang cũng chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Các cơ sở giáo dục có học sinh DTRIN được bố trí đủ giáo viên giảng dạy đạt chuẩn và trên chuẩn.

Hầu hết các thầy, cô giáo đều tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm và năng lực giảng dạy học sinh. Công tác tập huấn thường xuyên được tổ chức cho các cán bộ quản lý và giáo viên về phương pháp dạy học tích cực có ứng dụng công nghệ thông tin; Phương pháp dạy môn Tiếng Việt cho học sinh DTRIN cấp Tiểu học; Tâm lý học sinh; phong tục tập quán, bản sắc văn hoá DTRIN.

Và quan tâm tới các chuyên đề như: Nâng cao năng lực giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống; Giáo dục phòng, chống các tệ nạn xã hội; Giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên... hướng tới việc giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thực hiện Đề án 2123 không chỉ mang lại sự khởi sắc cho giáo dục học sinh DTRIN tại Hà Giang mà Lai Châu cũng là tỉnh được đánh giá tốt khi thực triển khai Đề án. Tại 3 huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè - nơi có nhiều thành phần dân tộc sinh sống trong đó có 3 dân tộc Sila, Mảng, Cống đã triển khai Đề án 2123 tích cực và thu được những tín hiệu đáng mừng cả về chất và lượng giáo dục.

Đã có hàng chục tỉ đồng được bổ sung để xây dựng cơ sở vật chất, trong đó xây dựng được hơn một chục điểm trường Tiểu học, với trên 30 phòng học có bảng, bàn ghế và gần 20 phòng công vụ giáo viên.

Trước đây, khi chưa có Đề án 2123, các em phải tham gia học tập trong những lớp học dựng tạm bằng vách gỗ cong vênh, mùa đông gió lùa, mưa dột ẩm ướt. Chính vì cơ sở vật chất như vậy nên tỷ lệ các em đến trường thấp, tình trạng nghỉ học dài ngày vẫn diễn ra.

Từ khi có Đề án 2123, lớp học được xây kiên cố hơn, bà con dân bản phấn khởi động viên con em đến lớp. Nhờ có phòng học mới, bàn ghế mới, tỷ lệ học sinh ra lớp đã được đều hơn.

Nguồn động viên học sinh tới trường

Có thể thấy, Đề án 2123 đã trở thành nguồn động viên lớn để học sinh DTRIN yên tâm đến trường, giúp các em có động lực hơn trong học tập. Đến nay nhiều trường học cho học sinh DTRIN đã được xây dựng mới với đầy đủ phòng học kiên cố, bổ sung thêm nhiều trang thiết bị phục vụ dạy như bảng, bàn ghế và nhiều đồ dùng khác...

Đây chính là những điều kiện để các em học sinh DTRIN được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt. Hơn nữa, được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Bên cạnh việc tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên dạy học sinh DTRIN luôn được các tỉnh chú trọng. Qua đây, có những phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả với đối tượng học sinh DTRIN trình độ nhận thức còn hạn chế. 

Cũng theo đánh giá chung, do được hưởng chính sách hỗ trợ về học tập của Đề án và sự cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục có học sinh DTRIN nên tỉ lệ học sinh DTRIN bỏ học và lưu ban giảm, một số dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo không có học sinh bỏ học và lưu ban.

Việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTRIN đã được chú trọng nên chất lượng giáo dục toàn diện cho các em đã được nâng lên. Tỉ lệ học sinh dân tộc rất ít người đạt khá, giỏi tăng. Số lượng học sinh DTRIN đi học cử tuyển, dự bị đại học, cao đẳng, đại học tăng. Tính riêng năm học 2012-2013 có 14 em học cử tuyển, 2 em học dự bị đại học và 5 em học cao đẳng, đại học.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh DTRIN được thực hiện đầy đủ ở một số địa phương. Số kinh phí này góp phần đỡ đần gia đình các em chi trả tiền ăn, quần áo..., giảm nhẹ gánh nặng trên con đường đến trường của các học sinh DTRIN.

Châu Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ