Từ năm 1976 - 1993, thành phố này bị gieo rắc nỗi sợ hãi bởi một kẻ viết thư nặc danh. Không ai ngờ rằng, người này đã khơi mào một trong những bí ẩn chưa được giải đáp kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Những bức thư nặc danh đầu tiên được gửi cho người dân thành phố Circleville vào năm 1976. Nội dung thư chứa đựng bí mật thầm kín của người nhận hoặc có nội dung chửi bới, lăng mạ. Chữ được viết hoa, nét mảnh.
Tuy nhiên, đến năm 1977, các bức thư tập trung đả kích Mary Gillispie, nữ tài xế lái xe buýt cho một trường học địa phương. Kẻ nặc danh tố cáo Mary có quan hệ tình cảm với Gordon Massie, giám thị trường học. Trong thư, kẻ nặc danh cho biết đã theo dõi gia đình Mary một thời gian, biết tất cả thông tin về chồng và con gái 12 tuổi cô. Kẻ này yêu cầu Mary chấm dứt mối quan hệ vụng trộm của mình.
Nội dung thư có đoạn như sau: “Hãy tránh xa Massie. Đừng nói cô không quen ông ta. Tôi biết cô sống ở đâu. Tôi vẫn thường theo dõi gia đình cô và biết về con gái cô. Đây không phải một trò đùa. Tất cả những người có liên quan đều đã được biết tin và mọi chuyện sẽ sớm kết thúc thôi”.
Mary cố gắng giấu nhẹm chuyện này khỏi Ron Gillespie, chồng cô (35 tuổi) nhưng những bức thư đe doạ liên tục được gửi đến. Cuối cùng, Mary đành kể với chồng về những bức thư. Cô khẳng định những cáo buộc này hoàn toàn không có căn cứ. Hai vợ chồng thống nhất giữ bí mật về chuyện này.
Nhưng không lâu sau, Ron nhận được lá thư nặc danh yêu cầu anh phải thừa nhận chuyện ngoại tình của vợ. Nếu Ron từ chối, tính mạng anh sẽ bị đe doạ. Một lần nữa, hai người quyết định bỏ qua sự việc.
Hai tuần trôi qua, không bức thư nào được gửi đến. Hai vợ chồng Gillespievui mừng nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc. Nhưng niềm vui này trôi qua mau bởi kẻ nặc danh tiếp tục đe doạ nặng nề hơn. Hắn sẽ công khai mọi thông tin về vụ ngoại tình trên TV, báo đài hoặc bảng thông báo xung quanh thị trấn.
Trong thư có đoạn: “Tôi cho anh hai tuần nhưng anh không làm gì cả. Hãy buộc Mary thừa nhận sự thật và thông báo cho hội đồng nhà trường. Nếu không, tôi sẽ công khai nó bằng áp phích, biển hiệu, bảng quảng cáo đến khi sự thật được phơi bày”.
Sợ hãi và lo lắng, vợ chồng Gillespie tiết lộ về những lá thư cho Karen, em gái của Ron và chồng cô là Paul Freshour. Cả bốn cùng tập trung suy đoán về thủ phạm.
Mary nghi ngờ người viết những lá thư nặc danh là một tài xế lái xe bus cùng trường tên David Longberry. Động cơ của Longberry xuất phát từ việc bị Mary từ chối tình cảm trong quá khứ. Paul đã viết thư yêu cầu David ngừng đe dọa gia đình Gillispie. Vài tuần trôi qua, những lá thư không còn xuất hiện.
Mọi người vui mừng nghĩ rằng câu chuyện đã kết thúc. Cuộc sống của gia đình Mary trở lại như bình thường nhưng tiếc rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Ngày 19/8/1977, Ron nhận được một cuộc điện thoại kỳ lạ khiến anh nổi điên, mang theo súng và rời khỏi nhà. Anh được phát hiện đã chết trong ngày hôm đó. Hiện trường vụ việc cho thấy Ron tông vào một cái cây, xe của anh bị lật. Trước khi chết, anh đã nổ súng. Đến nay, không ai biết người nào đã gọi đến, nội dung cuộc gọi là gì và nguyên nhân cái chết của Ron.
Vụ án không lời giải đáp
Cảnh sát thành phố Circleville tuyên bố cái chết của Ron là tai nạn do uống rượu say. Họ đo được nồng độ cồn trong máu của Ron cao gấp khoảng 1,5 lần so với ngưỡng quy định tại thời điểm xảy ra sự việc.
Tuy nhiên, gia đình và bạn bè Ron đã phủ nhận kết luận của phía cảnh sát. Họ cho biết, Ron không phải người nghiện rượu và trước khi rời đi, anh không uống một giọt rượu nào.
Kết luận này cũng khiến kẻ viết thư nặc danh không hài lòng. Hẳn đã gửi một lá thư tới Dwight Radcliff, Cảnh sát trưởng hạt Pickaway, bang Ohio đồng thời là người phụ trách vụ án và tố cáo ông che đậy tội ác. Trong khi đó, Paul Freshour cũng cáo buộc Radcliff cố tình bóp méo sự thật về cái chết của anh vợ.
Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau cái chết của Ron, Karen bị phát hiện ngoại tình. Paul quyết định đâm đơn ly dị và được tòa trao cho toàn bộ tài sản và quyền nuôi con. Karen trở thành người vô gia cư, phải sống nhờ vào chị dâu.
Về phần Mary, cô vẫn bị kẻ nặc danh giày vò bằng những bức thư vu khống. Cô thậm chí đã suýt bị sát hại. Sau khi Ron qua đời, kẻ nặc danh đã lắp đặt các biển báo dọc đường lái xe bus của Mary để tố cáo việc cô ngoại tình. Trong một lần, vì quá bức xúc trước nội dung lăng mạ, Mary quyết định tấp xe vào lề đường, xuống gỡ biển báo.
Nhưng Mary bàng hoàng phát hiện một khẩu súng lục đã lên nòng được nối vào phía sau tấm biển. Vì gỡ tấm biển theo hướng ngược lại với cái bẫy, Mary may mắn thoát chết. Ngược lại, nếu súng cướp cò, không ai có thể lường trước hậu quả.
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện khẩu súng này được đăng ký dưới tên Paul Freshour. Dù khai rằng khẩu súng này đã bị ăn trộm từ lâu, Paul vẫn bị bắt với cáo buộc cố ý mưu sát. Các chuyên gia chữ viết cũng kết luận những lá thư nặc danh là do chính tay Paul viết. Ông bị kết tội và chịu mức án 25 năm năm tù giam.
Mọi chuyện chưa dừng lại
Sau vụ án của Paul, hầu hết người dân thành phố Circleville tin rằng kẻ viết thư nặc danh đã bị bắt. Tuy nhiên, những lá thư vẫn tiếp tục xuất hiện, thậm chí lan rộng sang các khu vực khác tại Ohio. Nhiều người dân bị đe doạ những thông tin bí mật sẽ bị vạch trần.
Cảnh sát trưởng Radcliff đã tiến hành điều tra phòng giam, nguồn thư đến và đi của Paul nhưng không thu được kết quả. Các lá thư vẫn tiếp tục xuất hiện dù Paul bị đưa vào phòng biệt giam. Chính Paul cũng nhận được một lá thư với nội dung: “Đến khi nào mi mới chấp nhận rằng mình không thể ra khỏi nơi đó? Ta đã đưa ra lời cảnh báo từ 2 năm trước khi chuyện này bắt đầu nhưng mi đã không nghe”.
Sau đó, một nhân chứng thông tin vào ngày Mary bị đặt bẫy, một người đàn ông đã xuất hiện gần khu vực biển báo nhưng người này không phải là Paul. Ông ta có tóc màu cát, mặc áo màu vàng, lái xe El Camino và không để lộ mặt. Khi nhân chứng tiến đến gần, người đàn ông này vội tránh đi. Bản thân Paul cũng có chứng cứ ngoại phạm trong suốt ngày hôm đó. Giám đốc nhà tù kết luận Paul không phải là kẻ viết thư nặc danh.
Tháng 5/1994, Paul được ân xá sau 10 năm bị giam giữ. Tuy nhiên, người dân địa phương không hài lòng với quyết định này. Họ vẫn nghi ngờ Paul chính là người đã viết những bức thư nặc danh. Dù vậy, Paul vẫn luôn khẳng định bản thân vô tội cho đến khi mất vào năm 2012.
Thời điểm Paul được thả ra, bí mật về những lá thư nặc danh tại thành phố Circleville đã nổi tiếng khắp nước Mỹ. Tổ sản xuất chương trình truyền hình Những bí ẩn chưa được giải đáp đã đến thành phố này ghi hình, phỏng vấn người dân địa phương cùng cơ quan chức năng.
Họ đã khiến kẻ viết thư nặc danh phẫn nộ khi tuyên bố sự kiện tại thành phố Circleville sẽ được phát sóng trên truyền hình trong thời gian tới. Kẻ này thậm chí đã gửi thư nặc danh đến đài truyền hình: “Quên thành phố Circleville đi. Đừng làm phiền Cảnh sát trưởng Radcliff. Nếu đến Ohio, các người sẽ phải trả giá”.
Ai là hung thủ thật sự ?
Vụ việc tại thành phố Circleville đã làm dấy lên những nghi ngờ, phỏng đoán của người dân khắp nước Mỹ về danh tính thật sự của hung thủ. Họ cho rằng, người đầu tiên gửi thư nặc danh đe doạ gia đình Mary có thể là David Longberry. Bởi những lá thư đầu tiên gửi tới gia đình Gillespie chỉ đề cập đến chuyện tình cảm giữa Mary và Gordon Massie.
Điều này khớp với tâm trạng ghen ghét của David do bị Mary từ chối trước đây. Các bức thư cũng dừng lại sau khi gia đình Mary gửi thư yêu cầu hắn ta chấm dứt mọi chuyện. Ngoài ra, sau này, David bị bắt vì tội xâm hại trẻ vị thành niên. Sự việc càng khẳng định sự bất thường trong tâm lý và hành động của người này.
Sau cái chết của Ron, người được cho là tiếp tục những lá thư nặc danh là Karen, em gái ông. Việc ly hôn với Paul đẩy Karen vào tình thế khó khăn khi vừa mất nhà, vừa mất quyền nuôi con. Rất có thể bà đã dựng biển báo với nội dung bịa đặt, viết thư đe doạ mọi người trong khu vực phỏng theo hành động của kẻ nặc danh đầu tiên.
Nhà báo Martin Yant, người theo đuổi vụ án ở Circleville nói về Karen Freshour: “Người phụ nữ này vẫn cố gắng gieo rắc những câu chuyện xấu về chồng cũ của mình vào đầu những năm 1990. Đây là khoảng thời gian Paul được xét ân xá”.
Ngoài ra, chi tiết người đàn ông tóc màu cát càng khẳng định thêm Karen là thủ phạm. Bởi bạn trai của Karen, người sau này trở thành chồng mới của cô được cho là rất giống miêu tả về người này. Cô cũng có một người họ hàng sở hữu chiếc El Camino màu vàng giống với chiếc xe nhân chứng nhìn thấy.
Từ năm 1994, các lá thư nặc danh đã biến mất, trả lại bầu không khí yên bình cho thành phố Circleville. Thế nhưng, danh tính thật sự của người viết những bức thư nặc danh vẫn là một ẩn số. Về phía các cảnh sát địa phương, họ vẫn khẳng định Paul Freshour là thủ phạm và họ đã làm tròn trách nhiệm khi kết án và tuyên phạt ông.