Những người sống sót sau những đợt tấn công của Mỹ vào các thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945 đã kể lại hồi ức về những vụ đánh bom chết người, đồng thời bầy tỏ suy nghĩ của họ về vũ khí hạt nhân và hậu quả của nó 72 năm sau khi sự việc diễn ra.
Ông Takato Michishita, 78 tuổi, là người đã sống sót sau khi mẹ ông có “linh cảm xấu” và cho ông nghỉ học ngày hôm đó. Ông nói:
“Hỡi những người trẻ tuổi chưa bao giờ trải qua chiến tranh, những cuộc chiến đều bắt đầu một cách ngấm ngầm, khi bạn cảm thấy nó tới thì có thể là quá muộn rồi. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trải qua một cuộc tấn công hạt nhân. Chúng ta phải khẳng định với một sự khẩn cấp hơn nhiều rằng, vũ khí hạt nhân không thể cùng tồn tại với loài người. Những người dân bình thường luôn là nạn nhân chính của cuộc chiến tranh. Hỡi những người trẻ tuổi chưa bao giờ cảm nhận được nỗi sợ hãi của chiến tranh – ta e rằng một số bạn trẻ đang tận hưởng sự hòa bình khó kiếm này mà không biết trân trọng nó!”
Ông Yosshiro Yamawaki, 83 tuổi, đã phải hỏa táng cha mình sau khi tìm thấy thi thể của cha. Ông nói: “Một người có thể hiểu được nỗi sợ của chiến tranh hạt nhân khi đi thăm những bảo tàng hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki, lắng nghe những nhân chứng là nạn nhân còn sống sót và đọc tài liệu về thời điểm này”.
Ông nói tiếp: “Vũ khí hạt nhân không được dùng để chống lại loài người cho dù dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga đều có kho dự trữ với hơn 15.000 vũ khí hạt nhân. Không chỉ vậy, công nghệ tiên tiến đã mở đường cho một loại bom mới có thể tạo ra một vụ nổ lớn hơn 1.000 lần so với vụ nổ bom ở Hiroshima.
Vũ khí với những khả năng như vậy phải được loại bỏ khỏi Trái đất. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, chúng ta phải khó khăn để đạt được một sự đồng thuận và chưa thực hiện được lệnh cấm vũ khí hạt nhân. Chủ yếu là do các cường quốc hạt nhân đang tẩy chay thỏa thuận này.
Tôi phải cam chịu một sự thật rằng vũ khí hạt nhân không thể được loại bỏ trong thời đại của chúng tôi – thế hệ những nạn nhân đầu tiên. Tôi cầu nguyện rằng những thế hệ sau sẽ đoàn kết lại hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, một số người không thể nói nên những gì họ đã trải qua, bà Kumiko Arakawa, 92 tuổi đã mất cả cha mẹ và anh chị em của mình trong đợt tấn công. Khi được hỏi bà muốn gửi thông điệp gì cho thế hệ tương lai, bà chỉ trả lời: “Tôi không nghĩ được điều gì”.
Khi mô tả hồi ức về một buổi sáng đầy nắng của ngày 9/8 khi quả bom tử thần rơi từ bầu trời Nagasaki, những người sống sót đều kể những kỷ niệm giống nhau: một tia sáng trắng chói lòa, một đợt khí nóng và áp lực và sau đó là những cảnh tượng tàn phá…
Nhiều người nhớ đã chứng kiến những bộ phận thi thể bị cháy đen, nhiều người phải chịu bệnh tật trong suốt phần đời còn lại do phóng xạ mà họ bị tiếp xúc.
Ông Fujio Toriskoshi, 86 tuổi, bị thương nặng sau vụ đánh bom và bất tỉnh vài ngày sau đó. Ông kể: “Người ta bảo tôi chỉ sống đến 20 tuổi, nhưng tôi đã sống qua được 7 thập kỷ sau đó và nay đã 86 tuổi. Tất cả những gì tôi muốn làm là quên đi nhưng vết sẹo lồi trên cổ tôi hàng ngày đều nhắc tôi về vụ bom nguyên tử. Chúng ta không thể tiếp tục hy sinh những mạng sống quý giá cho chiến tranh. Tất cả những gì tôi có thể làm là cầu nguyện một cách tha thiết, không ngừng nghỉ cho một thế giới hòa bình”.