Nam sinh với chuyến chở hàng 0 đồng vào vùng dịch

GD&TĐ - Những ngày qua, nam sinh Tống Nguyễn Duy Thanh một mình chở rau, củ của người dân Kon Tum gửi vào vùng dịch TP Hồ Chí Minh.

Duy Thanh (mặc đồ bảo hộ) cùng nhóm tiếp nhận rau, củ hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh.
Duy Thanh (mặc đồ bảo hộ) cùng nhóm tiếp nhận rau, củ hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh.

Những lúc mệt lả, chàng sinh viên có ý định từ bỏ, nhưng khi nghĩ đến người dân đang chật vật chống chọi với dịch bệnh, chuyến xe 0 đồng lại lăn bánh.

Chuyến xe nghĩa tình

Nam sinh Tống Nguyễn Duy Thanh (sinh viên năm 4, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, TP Kon Tum, Kon Tum) sinh ra trong một gia đình có 2 anh em ở mảnh đất Lâm Đồng. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sau khi kết thúc năm học, Duy Thanh chưa thể về nhà đoàn tụ cùng với gia đình.

Trong quãng thời gian ở lại trường, thông qua các phương tiện truyền thông, chàng sinh viên biết được sự khó khăn, cơ cực của người dân TP Hồ Chí Minh trong công cuộc chống dịch Covid-19. Thế rồi, đầu tháng 7 vừa qua, nam sinh cùng bạn bè của mình lên kế hoạch xin rau, củ, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng dịch.

Mỗi ngày, Duy Thanh cùng những người bạn đến các vườn, rẫy của người dân xin rau củ. Thương cho cuộc sống khốn khó của người dân TP Hồ Chí Minh, người thì góp bầu, bí, nơi thì hỗ trợ măng, chuối. Sau vài ngày, số lượng rau củ gom được đã lên con số 3 tấn.

Mong muốn kịp thời hỗ trợ cho người dân nên cả nhóm gom rau, củ lại để vận chuyển xuống TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quãng đường từ Kon Tum xuống vùng dịch cả đi lẫn về gần 1.400km nên không thể giao cho các bạn nữ. Thế rồi, chàng sinh viên Duy Thanh xung phong vận chuyển rau, củ xuống với người dân TP Hồ Chí Minh.

“Mình nghĩ bà con đã tin tưởng, gửi rau củ để tặng cho người dân vùng dịch nên phải làm tròn trách nhiệm. Thông qua những bó rau, nải chuối bà con cũng muốn gửi gắm sự sẻ chia đến những người đang gặp khó khăn. Mình đã nhận rau, củ của bà con phải có trách nhiệm gửi tận tay cái tình của người Kon Tum xuống với vùng dịch. Mình chỉ nghĩ vậy và lên đường”, Duy Thanh chia sẻ.

Chuyến xe 0 đồng nhận rau, củ từ tỉnh Kon Tum hỗ trợ cho người dân TP Hồ Chí Minh.
Chuyến xe 0 đồng nhận rau, củ từ tỉnh Kon Tum hỗ trợ cho người dân TP Hồ Chí Minh.

Nhóm của Duy Thanh chủ yếu là những người trẻ nên không có xe riêng vận chuyển rau củ. Do đó, Duy Thanh tìm thuê xe để thuận tiện chở hàng hỗ trợ. Khi nghe câu chuyện của nhóm Thanh, một người đã cho thuê với giá rẻ và hỗ trợ thêm tiền xăng xe. Cứ thế, chuyến xe đầu tiên lăn bánh, thẳng tiến vào vùng dịch.

Độc hành, nam sinh trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Duy Thanh nhớ lại, trong chuyến đi đầu tiên bản thân, Thanh đã có lần phải đối mặt với “cửa tử”.

“Khi chiếc xe chạy đến Bình Phước thì bất ngờ bị mất thắng. Lúc này mình đang ở chênh vênh dốc. Ban đầu mình rất hoảng loạn không biết xử lý như thế nào. Nhưng sau vài giây hoàn hồn mình đã kịp thời kéo thắng tay, may mắn chiếc xe chạy chậm dần rồi dừng ngay chân dốc. Sau đó, mình nhờ người dân hỗ trợ và tìm người sửa xe rồi tiếp tục cuộc hành trình”, Duy Thanh nói.

Không chỉ dừng lại tại đây, trong chuyến đi thứ 4, chiếc xe của Duy Thanh thủng bánh đến 3 lần. Chuyến đi bị ngắt quãng liên tục nên Duy Thanh phải nhờ sự giúp đỡ của người dân trên đường. Sau quãng thời gian dài chật vật, cuối cùng chuyến xe 0 đồng cũng đến được vùng dịch.

“Một mình đối mặt với khó khăn, cực khổ trên mỗi chặng đường, có những lúc mình cảm thấy bất lực muốn dừng lại. Nhưng khi nghĩ về những người dân vùng dịch đang chật vật chống chọi với dịch bệnh, bản thân lại không cho phép. Thế rồi, chiếc xe lại lăn bánh và đây là chuyến thứ 5 mình chở rau củ của người dân Kon Tum hỗ trợ vùng dịch”, nam sinh chia sẻ.

Duy Thanh luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Duy Thanh luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

“Về với mẹ đi con”

Để kịp thời vận chuyển rau vào TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày Duy Thanh lái xe gần 20 tiếng đồng hồ. Những lúc mệt, đói… Thanh mới dừng xe ở những nơi vắng người để ngả lưng chợp mắt. Đồ ăn suốt chặng đường của chàng sinh viên cũng chỉ là vài chiếc bánh mì ngọt cùng những chai nước suối. Mỗi khi trái gió, trở trời, bàn tay Duy Thanh lại đau, nhức lên từng hồi do dư âm của ca tiểu phẫu trước đó. Những khi cơn đau kéo đến, chuyến xe 0 đồng của chàng sinh viên phải tạm dừng để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường.

“Khi vận chuyển hàng vào vùng dịch, điều lo lắng nhất của mình không phải vất vả mà là chẳng may nhiễm Covid-19. Bởi nếu bản thân mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà là gánh nặng cho gia đình. Nếu mình không cẩn thận có thể lây nhiễm cho nhiều người khác. Do đó, mình luôn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Mình cũng cố gắng hạn chế tiếp xúc với mọi người. Chính vì vậy, đa số thời gian mình đều ở trên xe kể cả khi ăn, ngủ”, Duy Thanh tâm sự.

Sau mỗi chuyến đi, chàng sinh viên lại vào chốt phòng dịch Sao Mai, cửa ngõ vào tỉnh Kon Tum để làm các thủ tục xét nghiệm. Sau khi có kết quả âm tính và phương tiện được khử khuẩn, Duy Thanh chạy xe ra bãi đất trống để cắm trại, nghỉ ngơi. Còn rau, củ sau khi bạn bè thu gom được sẽ chở ra chốt Sao Mai và chất lên xe để Duy Thanh tiếp tục chuyến hành trình.

Những lúc nghỉ ngơi, Duy Thanh tranh thủ nói chuyện, tâm sự với gia đình. Sợ bố mẹ lo lắng nên nam sinh không bao giờ kể về những khó khăn, vất vả trên đường đi. Câu chuyện mà Duy Thanh đề cập đến với gia đình mình chỉ là những niềm vui, sự hạnh phúc khi được góp chút sức lực hỗ trợ vùng dịch.

Biết con trai một mình vào vùng dịch, mẹ Duy Thanh không khỏi lo lắng. Thương con vất vả không ngày nào mẹ Thanh không gọi điện. Có hôm trên đường đi, Duy Thanh nhận được tin nhắn của mẹ “Về quê đi con. Con đi vào vùng có dịch, bố mẹ lo lắm. Thôi về đi con, về với mẹ”. Để bố mẹ không lo lắng vì mình, Duy Thanh chỉ nhắn lại ngắn gọn “Nhiệm vụ con chưa hoàn thành. Hứa với mẹ, khi nào hết dịch con về thăm mẹ. Mẹ chờ con nha!”.

“Đồng bào mình đang trải qua khoảng thời gian khó khăn, cơ cực nhất. Mình là người trẻ, không hỗ trợ được nhiều nên muốn góp chút sức lực để tiếp thêm sức mạnh cho người dân vùng dịch. Mình nghĩ, mỗi người góp chút công sức thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Mình chỉ mong sức khỏe và an toàn để có thể tiếp tục làm thêm nhiều việc ý nghĩa. Cũng mong rằng người dân, cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, để những cảnh tượng thương tâm không còn diễn ra”, Duy Thanh nói.

Thầy Nguyễn Đình Viễn, Bí thư Đoàn, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết, Tống Nguyễn Duy Thanh là một sinh viên rất năng nổ trong công tác xã hội. Ngay từ khi trở thành sinh viên của phân hiệu, Duy Thanh đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động thiện nguyện.

Theo thầy Viễn, việc Duy Thanh xung phong chở rau, củ để hỗ trợ vùng dịch là hình ảnh rất đẹp và đáng được tuyên dương.

“Việc làm này của Duy Thanh thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Không chỉ vậy, Duy Thanh còn thể hiện sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, trách nhiệm của thanh niên đối với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh” thầy Viễn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.