Việt Nam đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Đồ họa: TTXVN
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo hài hòa lợi ích nhiều phía, nhằm ứng phó tình trạng già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Về bản chất, khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng, mức sống thể chất, thể lực tuổi thọ của người lao động được nâng cao thì cần phải tăng tuổi nghỉ hưu. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện lộ trình tiến bộ này.
Từ năm 1995, Việt Nam đã thực hiện chính sách BHXH. So sánh với mặt bằng của nhiều nước thì tổng thời gian đóng BHXH ở Việt Nam so với các nước chỉ hưởng lương hưu 40 - 60%, nhưng Việt Nam mức hưởng lên tới 75% mức đóng. Do vậy, cần điều chỉnh lấy lại cân bằng giữa mức đóng và mức hưởng.
Theo giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên 58 đối với nữ, nam 62 chỉ là lộ trình ban đầu, sau đó lại điều chỉnh như các nước có mức thu nhập cao, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của xã hội Việt Nam. Song, khung bậc này chỉ áp dụng đối với những nhóm đối tượng người lao động có điều kiện và sức khỏe phù hợp, chứ không phổ cập.
Thực tế ở Việt Nam đã có những bước khởi động và thu được kết quả ghi nhận. Đó là một số nhóm đối tượng lao động trong cơ quan hành chính Nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia… đã được nâng tuổi nghỉ hưu.
Có những người ngoài 70 tuổi vẫn chưa nghỉ hưu, vẫn đảm đương những trọng trách lớn và đạt hiệu quả cao trong công việc. Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đã đạt 73 tuổi, và đứng trước ngưỡng cửa “già hóa dân số”. Nếu không có bước chuẩn bị thì tất nhiên sẽ mất cân đối về nguồn lực cho sự phát triển kinh tế mai sau.
Mặt khác, trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện… hiện có nhiều người lao động có trình độ và kinh nghiệm đạt đẳng cấp toàn cầu. Nếu để họ nghỉ hưu ở tuổi 60 thì lãng phí nguồn chất xám quá lớn.
Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động sẽ bị một bộ phận người lao động trong xã hội phản đối, cho rằng: Nhóm đối tượng lao động được kéo dài tuổi hưu sẽ ngáng chân lớp lao động trẻ, bởi vì mỗi năm có thêm hàng chục vạn cử nhân, kỹ sư ra trường nhưng chưa kiếm được việc làm.
Giải thích về lo ngại “tre không chịu già để cho măng mọc”, một chuyên gia quản lý lao động vĩ mô cho rằng: Ảnh hưởng tới công việc của lớp trẻ chỉ diễn ra trong vài năm giai đoạn đầu. Giai đoạn tiếp theo, khi đã cân bằng nguồn vào và nguồn ra thì tất nhiên là sẽ khắc phục được tình trạng đó. Vì sự phát triển chung của toàn xã hội mà phải chấp nhận.
Để thực hiện mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, trong năm 2016 và 2017 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, dựa trên kết quả đó, tiến hành sửa đổi và bổ sung để có quy định mới phù hợp.
Mặc dù phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có khả thi hay không, còn phụ thuộc vào kết quả thông qua nội dung Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động. Trong các đề xuất sửa đổi lần này có phương án tăng tuổi nghỉ hưu như đã nói trên.
Mới chỉ là dự kiến, nhưng nhiều chục vạn lao động ở tuổi “cập kê” nam 59, nữ 54 đang ở trong tâm trạng ngóng chờ. Nếu phương án điều chỉnh được thực thi, theo đó sẽ có hàng vạn người lao động mỗi năm được kéo dài thời gian làm việc, cống hiến và tham gia BHXH. Và như vậy, đến khi họ nghỉ hưu có mức lương cao hơn để trang trải cho đời sống ở giai đoạn cuối đời.