Cơ quan Giám sát chuyển động xoay của Trái Đất và Các hệ thống tham chiếu (IERS) tuần qua thông báo về quyết định thời điểm bổ sung giây nhuận vào ngày 30/6. Theo đó, tất cả các đồng hồ trên thế giới sẽ được chèn thêm một giây vào phút cuối cùng của ngày này. IERS là tổ chức chịu trách nhiệm duy trì giờ toàn cầu.
Thời gian Mặt Trời là thang đo thời gian mà theo đó 12h trưa là lúc Mặt Trời nằm ở vị trí cao nhất trên bầu trời. Nó liên quan tới chuyển động tự xoay của Trái Đất quanh trục và được thể hiện qua giờ GMT (Giờ Trung bình Greenwich) và giờ UTC (Giờ Phối hợp Quốc tế).
Quả địa cầu xoay một vòng quanh trục trong 86.400 giây. Tuy nhiên, tư thế nghiêng của trên trục, lực hút của Mặt Trăng và Mặt Trời khiến thời gian tự xoay của nó giảm vài phần trăm giây mỗi năm. Do đó, thời gian Mặt Trời sẽ chậm hơn so với thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI), vốn được tính toán dựa trên máy móc.
"Họ thêm một giây vào UTC để đảm bảo tốc độ của nó bằng với thời gian nguyên tử", Telegraph dẫn lời Nick Stamatakos, chuyên gia của Đài quan sát Hải quân Mỹ, cho hay. Phương pháp này được đưa ra từ năm 1972, nhằm đảm bảo sai số không tăng dần.
Giây nhuận có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty, chương trình và dịch vụ Internet. Lần thêm giây nhuận năm 2012 từng khiến các chương trình mạng như Mozilla, Reddit, Foursquare, Yelp, LinkedIn hay StumbleUpon gặp trục trặc.
UPI hôm qua cho hay, đây là lần thứ 26 loài người thêm giây nhuận vào độ dài thời gian của một ngày. Thông thường, giây nhuận được thêm vào ngày 31/12 hoặc 30/6.