Năm mới mong không còn chuyện ăn chặn quà Tết của người dân

Nếu tất cả chúng ta đều quan tâm, chú ý thì chắc chắn các câu chuyện buồn ăn chặn quà Tết của người dân sẽ không có trong tương lai.

Năm mới mong không còn chuyện ăn chặn quà Tết của người dân

Tết nguyên đán Kỷ Hợi đang cận kề, việc chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần nhân văn được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương quan tâm triển khai. Không để người dân nào không có Tết là nội dung phỏng vấn của phóng viên VOV với ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

PV: Thưa ông, Tết nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần, vậy việc chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hồi:Công tác chăm lo Tết cho người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hết sức quan tâm. Ngay từ tháng 7 đến tháng 10/2018, Bộ đã có một số văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác rà soát, nắm chắc số lượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết do thiên tai, lũ lụt và do những vấn đề bất khả kháng và huy động nguồn lực để cứu trợ dịp Tết cho bà con.

nam moi mong khong con chuyen an chan qua tet cua nguoi dan hinh 1
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà cho bà con nghèo huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Bộ cũng đưa ra yêu cầu phải đảm bảo không được để ai bị đói, bị rét... Đây là một yêu cầu đối với các địa phương. Trong trường hợp địa phương vận động mà thiếu nguồn lực thì ngân sách địa phương cũng như đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cứu trợ gạo và các hình thức cứu trợ phù hợp khác.

PVTrong bối cảnh khó khăn, việc huy động nguồn lực nhằm xã hội hóa chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hồi:Đây là chủ trương chung tay góp sức vì người nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau là một chủ trương lớn. Kinh nghiệm như hàng năm, chúng ta đã vận động nguồn lực của doanh nghiệp, người dân, sự chung tay, góp sức của cộng đồng rất lớn trong việc cứu trợ cho những người thiếu đói và hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết và kinh phí vận động là rất lớn. Ví dụ như 2018, kinh phí vận động của chúng ta là vận động ngân sách của cấp tỉnh, huyện, xã và trung ương.

Chúng ta còn vận động hàng nghìn tỷ đồng kinh phí từ doanh nghiệp. Có những địa phương đã vận động doanh nghiệp lo cho một suất quà, khoản tiền, số lượng gạo để cứu trợ cho bà con và gần như bao phủ. Có những địa phương gần như xã hội hóa là chính.

Năm nay, chúng tôi thấy tinh thần chăm lo Tết cho người nghèo, kinh tế của chúng ta tăng trưởng tốt nên nguồn ngân sách hỗ trợ Tết chi cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn rất lớn. Ví dụ như Hải Phòng lên tới 3,5 triệu đồng/suất quà tặng người có công; 1 triệu đồng/hộ nghèo và dành 700.000/hộ cận nghèo. Nhiều địa phương khác cũng có những hoạt động tương tự để chung tay, góp sức chăm lo cho người nghèo.

Chúng tôi cũng khuyến nghị đúng như chủ trương của Đảng, Nhà nước phải tập trung mạnh vào việc vận động, kêu gọi mỗi doanh nghiệp chung tay chăm lo cho 100, 200 hộ nghèo. Nhiều doanh nghiệp làm như vậy chúng ta sẽ huy động được rất nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, đây cũng là nguồn lực hết sức quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, không chỉ trong dịp Tết mà còn trong những dịp khó khăn, đột xuất.

PVThưa ông, vậy công tác kiểm tra, giám sát được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện như thế nào để các phần quà đến được đúng đối tượng cần trợ giúp dịp Tết này?

Ông Nguyễn Văn Hồi:Đây là việc chúng ta huy động tất cả các cấp các ngành cùng chung tay góp sức, huy động cả người dân. Vì vậy, mỗi người dân phát hiện thấy người dân còn khó khăn, không bảo đảm được lương thực, không có cơm ăn, áo mặc thì đều thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội chung tay góp sức để giúp đỡ cho người nghèo.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức một số đoàn đi thăm hỏi, tặng quà, kiểm tra, giám sát công tác chăm lo Tết cho người nghèo. Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo Bộ đã tổ chức một số đoàn đi đến Cao Bằng, Tuyên Quang, Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành phố khác để chúng ta thăm hỏi, tặng quà, động viên, đồng thời đây cũng là công tác kiểm tra giám sát. Cục Bảo trợ xã hội cũng tham gia một số đoàn với Quốc hội đi thăm hỏi, tặng quà. Đây cũng chính là giám sát về công tác chăm lo cho người nghèo và đến từng địa phương đều nghiên cứu về kế hoạch chăm lo cho người nghèo của từng địa phương, từng huyện, từng xã, từng tỉnh.

PVTrong thực tế thì đâu đó vẫn còn những câu chuyện buồn về việc ăn chặn quà Tết của người dân. Vậy để không còn những những chuyện như vậy, giải pháp là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hồi: Chúng tôi rất bất bình về chuyện này, nhưng trong vài năm gần đây công tác cứu trợ dịp Tết, cứu trợ cho người nghèo đã tốt hơn rất nhiều.

Những câu chuyện ăn chặn của người nghèo ngày càng ít đi và chúng tôi cũng kêu gọi người dân, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra giám sát cũng như quan tâm đến việc này, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là công việc chung và cũng là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Nếu chỉ một mình ngành Lao động- Thương binh và Xã hội làm không nổi. Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là huy động được sự tham gia, chung tay, góp sức của tất cả mọi người, của từng người dân đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu tất cả chúng ta đều quan tâm, chú ý việc này thì tôi tin chắc chắn các câu chuyện buồn sẽ giảm đi và sẽ không có trong tương lai.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.