Năm học 2020-2021: Những điểm nhấn

Dạy học trực tuyến tại Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Dạy học trực tuyến tại Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).

LTS: Năm học 2020-2021 kết thúc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Học sinh tạm dừng đến trường khi chưa kịp hoàn thành bài thi học kỳ II. Học trò cuối cấp bước vào giai đoạn ôn tập nước rút cho kỳ thi vào 10 và thi tốt nghiệp THPT.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến", ngành GD các địa phương đã nhanh chóng thay đổi hình thức dạy học, hỗ trợ học sinh diện cách ly ôn tập, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Một số tỉnh/thành lùi thời gian thi vào 10. Nơi đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối kỳ, kết thúc sớm năm học…

Năm học này lần đầu triển khai chương trình mới với lớp 1 cùng nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy, học trực tuyến là động lực để thầy trò cùng đổi mới, địa phương tập trung đầu tư, tạo tiền đề vững chắc cho năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo.

Bài 1: Dạy và học thời đại dịch, biến nguy thành cơ

Năm học 2020 - 2021 đầy thử thách kể từ thời điểm khai giảng cho đến khi về đích nhưng cũng ghi nhận sự nỗ lực của mỗi nhà trường, giáo viên, học sinh kể cả vùng khó khăn. Hệ thống dạy học trực tuyến được kích hoạt, nhiều trường học đã kiểm tra đánh giá bằng hình thức online.

Chuyển đổi cách dạy học, kiểm tra

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng vào tháng 5/2021, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) ngay lập tức xây dựng lại thời khóa biểu, tạm dừng dạy học trực tiếp và chuyển sang trực tuyến.

Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường liên cấp, thời điểm này học sinh lớp 9, lớp 12 tăng tốc chuẩn bị cho các đợt thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, công tác ôn tập cần sự hỗ trợ lớn từ giáo viên và nhà trường. Chúng tôi đã tổ chức dạy học trực tuyến qua hệ thống LMS cho học sinh cuối cấp. Những khối lớp khác, tổ chức giao bài tập qua các nhóm trên mạng xã hội, email... Giáo viên và học sinh tương tác qua mạng Internet để việc dạy học không gián đoạn.

Theo kế hoạch, các trường học tại Đà Nẵng tổ chức kiểm tra định kỳ năm học vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, trong điều kiện học sinh tiếp tục dừng đến trường, sở GD&ĐT thành phố đã hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức kiểm tra với nhiều hình thức linh hoạt. Theo đó,  bậc tiểu học, phụ huynh đến trường nhận đề về cho HS làm bài kiểm tra tại nhà hoặc nhận bài qua Internet. Với bậc THCS, THPT, các trường tổ chức kiểm tra trực tuyến qua phần mềm ứng dụng.

Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) lần đầu tiên tổ chức cho HS kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams. Trước đó, để chuẩn bị kiểm tra thật, nhà trường cho HS làm quen với ứng dụng để phát hiện lỗi kỹ thuật nhằm kịp thời điều chỉnh. Qua thử nghiệm cho thấy, dù đã cài đặt giờ “bung đề” theo mốc thời gian thống nhất nhưng trên thực tế, giờ nhận đề của mỗi lớp là có sự lệch nhau. Chính vì vậy, nhà trường điều chỉnh ngay việc cài giờ.

Theo đó, giờ nhận đề sẽ cài đặt lệch nhau khoảng 2 - 3 phút giữa các lớp. Giờ thu bài của HS cũng cài đặt thêm khoảng 5 - 7 phút để các em có thêm thao tác chụp ảnh gửi lên phần mềm với bài thi trắc nghiệm. Đề kiểm tra cũng có cả phần trắc nghiệm và tự luận để phân hóa học sinh.

Giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) hướng dẫn học sinh làm bài tập trực tuyến.
Giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) hướng dẫn học sinh làm bài tập trực tuyến.

Xu hướng của giáo dục hiện đại

Ông Mai Tấn Linh – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Tổ chức dạy học, kiểm tra trực tuyến tại địa bàn, ngành tính toán cẩn thận lợi ích của học sinh. Trong đó, với những em không thể tham gia kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến như không có thiết bị, trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách ly, gặp sự cố đường truyền khi làm bài kiểm tra…, nhà trường rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hình thức trực tiếp tại trường. Trong quá trình kiểm tra trực tiếp, nhà trường nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch.

Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng đánh giá, giáo dục trực tuyến chính là cơ hội để các nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Nhà trường, giáo viên linh hoạt, tự chủ trong tổ chức dạy học để thực hiện chương trình trong từng bối cảnh, tình huống cụ thể.

Đến hết ngày 20/5, các trường học trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, Nghệ An đã hoàn thành kiểm tra định kỳ. Đây cũng là địa phương kết thúc năm học 2020 – 2021 cuối cùng của Nghệ An. Trước đó, từ 7/5 học sinh toàn thị xã tạm dừng đến trường do nằm trong vùng dịch.

Ông Nguyễn Viết Lộc – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hoàng Mai cho hay: Nhiều trường học trên địa bàn thuộc vùng nông thôn, ven biển, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị máy tính thiếu thốn, đường truyền Internet không ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi đã linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra trực tuyến như gửi đề bài cho học sinh làm kiểm tra theo khung giờ nhất định, kiểm tra qua phần mềm Zoom hoặc cho học sinh làm bài thu hoạch gửi qua email/phụ huynh chụp ảnh gửi  qua Zalo, Facebook cho giáo viên...

Với các trường học ở địa phương khác đã tổng kết năm học nhưng tiếp tục ôn thi cho học sinh lớp 12 và lớp 9. Theo thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An), từ năm học trước, học sinh và giáo viên đã làm quen với việc học và tổ chức thi trực tuyến để rèn luyện kỹ năng làm bài. Vì thế, năm học này, nhà trường áp dụng song song 2 phương thức trực tiếp lẫn trực tuyến để đem lại hiệu quả cao nhất cho học trò.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành nhận định: 2 năm học đầy thử thách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cũng là cơ hội để mỗi nhà trường chuyển động, thay đổi tư duy, phương thức dạy học. Học sinh được làm quen với kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến. Việc này rất có ý nghĩa, bởi trong xu thế sắp tới, các kỳ thi chủ yếu được thực hiện trên máy tính.

Trong thời gian tới, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chuẩn giáo án điện tử. Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên về kỹ thuật thiết kế bài giảng để dạy học trực tuyến, sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến. Tiến tới quản lý giáo án trên hệ thống phần mềm quản lý của ngành. Đây cũng là xu thế tất yếu của giáo dục thời kỳ hội nhập.

Tùy vào điều kiện hạ tầng kỹ thuật, số lượng HS đăng ký tham gia của mỗi hình thức, các trường có thể tổ chức song song cả trực tuyến và trực tiếp trong cùng một thời gian hoặc tổ chức kiểm tra độc lập. Bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ còn liên quan đến quyền lợi của HS nên phải tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Phòng cũng trao quyền chủ động cho các trường trong lựa chọn và quyết định. - Bà Trần Thị Thúy Hà (Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu - Đà Nẵng)

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.