(GD&TĐ)-Khởi động cho năm học mới 2012-2013, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, sẵn sàng cho năm học mới.
Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo kịp thời đến các địa phương triển khai năm học mới với Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học; chỉ đạo các sở GD&ĐT chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức khai giảng năm học mới. Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới đối với tất cả các cấp học, ngành học mầm non, phổ thông thường xuyên và chuyên nghiệp.
Bộ yêu cầu các sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức khai giảng và tham mưu mời lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tới dự khai giảng tại các nhà trường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tốt hoạt động “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học mới nhằm giúp học sinh làm quen với thầy cô giáo, bạn bè, điều kiện học tập và phương pháp dạy học trong nhà trường, tạo nên môi trường học tập thân thiện, tích cực và hiệu quả của học sinh, đặc biệt quan tâm đối với các lớp đầu cấp…
Các địa phương chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND và UBND tỉnh, thành phố tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn dân tham gia vào sự nghiệp phát triển giáo dục tại địa phương. Đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định kế hoạch thời gian năm học 2012-2013; 32/63 địa phương đã ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục đào tạo năm học 2012-2013; đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với thực tế địa phương. Các sở đã tham mưu, báo cáo với lãnh đạo tỉnh, bàn bạc phối hợp với lãnh đạo huyện, tìm mọi cách khắc phục khó khăn trước khi bước vào năm học. Triển khai kế hoạch tổ chức chu đáo Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Khai giảng năm học mới đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ, trang trọng, vui tươi, tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện các tỉnh đều đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất trường học, đảm bảo đủ cơ sở vật chất trước khi khai giảng năm học mới. Tuyên Quang trang cấp phòng học ngoại ngữ cho 3 trường THPT và 12 trường THCS; xây dựng 23 công trình vệ sinh; không đơn vị nào phải bố trí học 3 ca.
Tỉnh Đắk Nông đầu tư gần 130 tỷ đồng để xây dựng 300 phòng học mới, cơ sở hạ tầng phục vụ năm học mới 2012-2013. Ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đã xây dựng xong 125 phòng học mới, với tổng giá trị xây dựng hơn 44 tỷ đồng; những phòng học này đưa vào sử dụng ngày đầu năm học; còn lại 175 phòng và cơ sở hạ tầng khác trị giá gần 86 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng.
Ninh Bình đã hoàn thành xây mới 216 phòng học, 81 phòng hiệu bộ, 123 phòng chức năng, 104 nhà vệ sinh và trên 9 nghìn m vuông sân, tường rào sử dụng trong năm học mới; tiếp tục đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho trẻ 5 tuổi để đảm bảo hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi theo kế hoạch.
Phú Yên đưa vào sử dụng 44 phòng học mới và 3 phòng thư viện với tổng kinh phí 16 tỷ đồng, ngoài ra, trong hè 2012, các huyện cũng đã tập trung xây mới 46 hạng mục như cổng trường, nhà vệ sinh, sân trường, hàng rào với tổng kinh phí 11 tỷ đồng.
Đồng Tháp đã hoàn thành đưa vào sử dụng 377 phòng học, phòng chức năng; sửa chữa 766 phòng học và các công trình phụ trợ khác ở 188 điểm trường với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.
An Giang chi tổng kinh phí sửa chữa trong hè gần 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách chi 11 tỷ đồng còn lại các nguồn hỗ trợ. Các công trình xây mới kịp thời phục vụ năm học 2012-2013, từ nguồn vốn của tỉnh gần 70 tỷ đồng gồm 76 phòng học, 18 phòng bộ môn, 864 bàn ghế, 36 bảng…
Để tạo điều kiện hơn nữa cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong việc học tập, trong năm học 2012-2013 , ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai đã đưa vào hoạt động thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú ( PTDTNT ) đặt tại huyện Xuân Lộc với quy mô 500 học sinh. Ngay trong năm học đầu tiên , nhà trường dự kiến tuyển hai lớp 6, với 70 học sinh. Như vậy, trong năm học mới sắp chính thức khai giảng, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 03 trường PTDTNT đang hoạt động. Với mạng lưới hệ thống các trường PTDTNT trên địa bàn, hàng năm ngành giáo dục và các ngành hữu quan tỉnh Đồng Nai đã huy động khoảng 1.000 em học sinh dân tộc thiểu số đến học, tỷ lệ học sinh dân tộc nội trú và học sinh dân tộc cấp trung học trên địa bàn tỉnh đạt gần gần 14 %.
Các tỉnh, thành phố cũng đã tập trung rà soát, sắp xếp, điều động, bố trí cán bộ quản lý và giáo viên cho năm học mới; tổ chức tuyển dụng biên chế đáp ứng yêu cầu giáo viên cho các vùng khó khăn. Quảng Ninh đã tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục năm 2012 với 103 giáo viên, 58 nhân viên; Đồng Tháp tuyển dụng mới 700 giáo viên, nhân viên trường học, trong đó 90% là giáo viên mầm non và tiểu học, giải quyết thuyên chuyển trong tỉnh 265 giáo viên, nhân viên các cấp học; Đăk Nông hiện còn thiếu 193 giáo viên mầm non, 64 giáo viên tiểu học và 63 giáo viên trung học, tỉnh đang tổ chức tuyển dụng giáo viên cho năm học mới.
Phòng GD&ĐT thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đã hoàn thành xét tuyển 37 biên chế; phòng Châu Thành xét tuyển 19 biên chế… Hiện sở đã tiếp nhận 326 hồ sơ và sẽ tiến hành tổ chức xét tuyển để bổ sung lượng giáo viên, nhân viên còn thiếu.
Hòa Bình, đã tiến hành bổ nhiệm 5 cán bộ quản lý, luân chuyển 3 cán bộ quản lý; điều đồng, luân chuyển 59 giáo viên; phối hợp với sở nội vụ đề nghị tuyển dụng 48 giáo viên THPT, TTGDTX và 27 giáo viên các trường PTDTNT huyện, liên xã…
Lạng Sơn, tổng số cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp giáo dục là 1523 người, còn thiếu 111 cán bộ quản lý trường mầm non do các trường mới thành lập. Tổng số giáo viên, giảng viên các cấp học là 15061 (riêng mầm non thiếu 358). Số giáo viên phổ thông cơ bản đã được bố trí đủ đáp ứng yêu cầu giảng dạy năm học mới. Với số giáo viên mầm non còn thiếu, sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành hợp đồng đảm bảo yêu cầu trước ngày học chính thức.
An Giang, đến tháng 8/2012 đã hoàn tất công tác thuyên chuyển trong và ngoài tỉnh cho 418 cán bộ giáo viên. Hiện nay, sở đang tổ chức thi tuyển dụng viên chức ngành với 1607 người…
Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm triển khai cuộc vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh vùng khó, phấn đấu hoàn thành trước 2/10, thực hiện yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh; phối hợp với các lực lượng xã hội triển khai nội dung “đi học an toàn”. Như Tuyên Quang đã kịp thời trang cấp vở cho học sinh các xã thuộc vùng 135 vào dịp năm học mới; trang cấp giường nằm, trang thiết bị cần thiết cho học sinh các trường PTDTNT THCS. 100% các đơn vị trường học cấp đầy đủ sách giáo khoa, giấy vở cho học sinh theo đúng chế độ.
Phú Thọ cung cấp 615 bộ sách giáo khoa lớp 1 đến lớp 12 cho 720 học sinh thuộc diện chính sách xã hội là con thương binh, liệt sĩ. 100% giáo viên và học sinh đã có đủ sách khoa, tài liệu tham khảo và các loại ấn phẩm phục vụ năm học mới.
Lạng Sơn hỗ trợ học sinh thuộc thôn, xã 135, học sinh nghèo, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ có khó khăn với tổng kinh phí 5.133 triệu đồng.
Trên cơ sở Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học 2012-2013 của Bộ trưởng và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, các tỉnh đã có văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học tới tất cả các phòng GD&ĐT, các trường trên địa bàn.
Lập Phương