Nam Định cần nỗ lực để giữ vững vị trí tốp đầu

GD&TĐ - Chiều 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại tỉnh Nam Định về tình hình giáo dục địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình giáo dục địa phương và công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nam Định có Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài, đại diện lãnh đạo các sở/ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Nam Định.

Nhiều năm liên tục duy trì tốp đầu toàn quốc về giáo dục

Chia sẻ về tình hình GD-ĐT Nam Định, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong 10 năm qua, Nam Định đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW; tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, GD-ĐT Nam Định có những bước phát triển mới và thành tích nổi bật.

Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đạt nhiều kết quả tích cực. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 230 trường mầm non, 226 trường tiểu học, trong đó có 1 trường dành cho trẻ em khuyết tật; 226 trường THCS; 57 trường THPT; 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh; 9 trung tâm GDNN-GDTX; 226 trung tâm học tập cộng đồng; 52 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 8 trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Từ năm học 2010-2012 đến năm học 2022-2023, Nam Định có 938 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia (45 giải Nhất; 315 giải Nhì; 356 giải Ba; 267 giải Khuyến khích); 23 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế (4 huy chương Vàng; 4 huy chương Bạc; 14 huy chương Đồng, 1 Bằng khen).

So với năm 2011, Nam Định đã rà soát, sắp xếp giảm 119 cơ sở giáo dục; tăng 2 trường THPT. Việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục giúp giảm các điểm trường lẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Hệ thống trường học các cấp trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Trang thiết bị dạy học được bổ sung cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hằng năm, đến năm 2022-2023 có 667/728 (91,74%) trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, 80,63% trường xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 ở cấp học mầm non đạt 92,19%; tiểu học đạt 72,43%; THCS đạt 75,42%; THPT đạt 99,97% - đạt mục tiêu sớm hơn so với kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên của tỉnh.

Công tác quản lý giáo dục không ngừng đổi mới, phân cấp và tăng quyền chủ động của cơ sở. Dân chủ, kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường được giữ vững, tăng cường. Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, trong dạy học chuyển biến tích cực.

Trong 8 năm qua, trong các kỳ thi THPT quốc gia/tốt nghiệp THPT có 6 năm điểm trung bình của Nam Định đứng đầu toàn quốc, 2 năm đứng thứ 2 toàn quốc (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khối THPT hằng năm trung bình từ 99,11% trở lên).

Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 bước đầu đạt kết quả tốt. Lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được đảm bảo kịp thời.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, bậc học được nâng cao. Nam Định luôn duy trì ở nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về chất lượng và tỷ lệ đạt giải học sinh giỏi quốc gia.

Chất lượng dạy-học ngoại ngữ và Tin học được chú trọng, có bước phát triển mạnh, đột phá. Một bộ phận học sinh có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, sử dụng thành thạo CNTT trong học tập.

Cùng với việc duy trì bền vững nhiều năm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ III và phổ cập THCS mức độ II, tỉnh Nam Định đồng thời thực hiện tốt Đề án phân luồng học sinh sau THCS, sau THPT. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS luôn đạt 100%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS lên học THPT đạt 70%; học sinh hoàn thành chương trình THCS vào giáo dục thường xuyên đạt 0,08%; học sinh hoàn thành chương trình THPT vào đại học đạt 60,54%. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức; rèn luyện kỹ năng cho học sinh được coi trọng...

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi làm việc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023,tỉnh Nam Định có 20.461 thí sinh đăng ký dự thi. Hội đồng có 35 điểm thi với 879 phòng thi và 70 phòng chờ thi; dự kiến điều động 2.200 cán bộ coi thi.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo. UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện/thành phố xây dựng phương án thông tin, truyền thông về kỳ thi và đảm an ninh, an toàn cho hoạt động của Kỳ thi. Các điểm thi có phương án cụ thể phòng chống dịch bệnh thiên tai nếu có xảy ra.

Tại các điểm thi, công tác bảo quản đề thi, bài thi an toàn; cán bộ coi thi và thí sinh được học tập quy chế thi nghiêm túc; các điểm thi, các Ban của Hội đồng thi có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, thí sinh.

Bên cạnh thuận lợi, giáo dục Nam Định còn gặp khó khăn liên quan đến đội ngũ, cơ sở vật chất trường học. Theo đó,đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập về số lượng, cơ cấu; thiếu nhiều giáo viên cấp tiểu học; việc tuyển dụng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển có trình độ đại học trở lên. Thiếu giáo viên dạy các môn học mới như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; cấp THPT chưa có giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật.

Công tác quy hoạch đất cho trường học ở khu vực thành phố gặp nhiều khó khăn. Một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao do nằm trong khu vực tập trung đông dân cư. Một số trường khó khăn trong xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia do số lớp vượt quá quy định hoặc không đảm bảo yêu cầu về diện tích. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học ở nhiều nhà trường chưa đáp ứng quy định.

Từ thực tiễn giáo dục địa phương, tỉnh Nam Định đưa ra một số đề nghị liên quan đến quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non; quan tâm đến đặc thù ngành Giáo dục, không ấn định giảm chi thường xuyên hằng năm; giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục theo định mức quy định, thực hiện tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành GD-ĐT; tăng số biên chế cho các phòng giáo dục và đào tạo; sửa đổi bổ sung quy định về số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp giáo dục...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị phát biểu tại buổi làm việc.

Đầu tư đúng thời điểm để tăng hiệu quả triển khai chương trình mới

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GD&ĐT đều đánh giá cao những kết quả tỉnh Nam Định đạt được trong giáo dục, đào tạo. Bên cạnh các chỉ số giáo dục rất tốt, một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra. Trong đó có thực trạng sĩ số trẻ mầm non trên lớp đông; sự chia sẻ từ khối ngoài công lập còn thấp; vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ… Từ đó, đại diện vụ, cục của Bộ GD&ĐT trao đổi, lưu ý, đề xuất để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao kết quả tỉnh Nam Định đạt được trong giáo dục, đào tạo ở nhiều phương diện (giáo dục đại trà, mũi nhọn, thực hiện phổ cập giáo dục, triển khai Chương trình GDPT 2028…); cũng như sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với công tác giáo dục trên địa bàn. Giáo dục Nam Định là điểm sáng trong số các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng vốn đã có bề dày và chất lượng giáo dục rất toàn diện.

Lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới, nội dung đầu tiên Bộ trưởng nhấn mạnh liên quan đến ý nghĩa của sự đầu tư đúng thời điểm và mong tỉnh Nam Định sẽ dốc sức, tập trung cao độ các nguồn lực cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong chặng giữa triển khai.

Bộ trưởng thăm hỏi, động viên học sinh Trường THPT Mỹ Lộc.

Bộ trưởng thăm hỏi, động viên học sinh Trường THPT Mỹ Lộc.

Hiện nay giáo dục đã triển khai đổi mới mạnh mẽ ở đại học; đổi mới giáo dục phổ thông đi được hơn nửa chặng đường và bước đầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề nghị địa phương tập trung chuẩn bị các điều kiện cho triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, dự kiến đưa vào thực hiện đại trà cuối năm 2024, đầu năm 2025 tới.

Liên quan đến vấn đề thừa thiếu giáo viên, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ, các bộ ngành đang cho ý kiến và dự kiến sẽ có văn bản ở cấp độ nghị định để tạm tuyển giáo viên trình độ cao đẳng, bảo đảm nguồn trước mắt; sau đó bồi dưỡng để đạt chuẩn - thời hạn cuối đến năm 2023. Đây là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, Bộ GD&ĐT đang tính toán giải pháp, cân nhắc điều chỉnh để có hướng mở hơn cho các môn Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Tin học… Ví dụ, với môn Tin học, kỹ sư CNTT chỉ cần trang bị kiến thức sư phạm nhất định có thể giảng dạy.

Riêng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng lưu ý cần chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi, làm đúng quy định nhưng không quá căng thẳng. Trong đó nhấn mạnh đến các công đoạn liên quan đến đề thi, bài thi; vấn đề an ninh, an toàn; bảo đảm điện phục vụ Kỳ thi; phòng chống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao; nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên. Đặc biệt lưu ý hỗ trợ, kiểm soát, nhắc nhở để thí sinh không vi phạm quy chế một cách đáng tiếc.

Tại buổi làm việc, Bộ GD&ĐT đồng thời lưu ý đến công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông về Chương trình GDPT 2018. Việc này không chỉ trong ngành mà cần chú trọng cả truyền thông để các sở ngành khác, đặc biệt phụ huynh thấu hiểu, đồng hành. Một số băn khoăn của địa phương liên quan đến chương trình giáo dục, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục, các trường cao đẳng sư phạm… cũng được Bộ trưởng trao đổi, chia sẻ, giải đáp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc cho biết sẽ chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch để phát triển giáo dục - đào tạo địa phương trong thời gian tới, xứng đáng thành tích 28 năm trong top dẫn đầu về chất lượng giáo dục.

Đạt được thành tích đã khó, nhưng giữ vững thành tích càng khó khăn hơn. Chia sẻ điều này, ông Phạm Gia Túc khẳng định địa phương sẽ nỗ lực phấn đấu; đồng thời mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ GD&ĐT đồng hành cùng địa phương để thực sự giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy cho biết UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị; các lực lượng sẽ cùng phối hợp trong chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bảo đảm triển khai Kỳ thi an toàn, nghiêm túc theo đúng quy định.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã đến thăm nắm công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc. Tại đây, Bộ trưởng đã hỏi thăm, động viên các em học sinh trước Kỳ thi; kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ cho Kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.