(GD&TĐ) - Cái nắng đầu hạ như rắc mật lên những búp sen vừa hé nụ, thêm vương vấn bước chân du khách hành hương về thăm quê Bác. Không còn nhớ đây là lần thứ bao nhiêu tôi về thăm quê Bác, ấy vậy mà vào giữa những ngày tháng Năm này, trong ngạt ngào hương sen lẫn hương hoa nhãn, hoa vải ngay trên mảnh đất đã sinh ra Người, lòng tôi càng rộn lên những xúc cảm lạ kỳ… Đặc biệt sự đổi thay mạnh mẽ của Nam Đàn khiến tôi không khỏi bất ngờ và rạo rực như chính người dân nơi đây.
Con đường nhựa từ quốc lộ 46 đưa chúng tôi về với làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha những ngày tháng Năm này rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày bầu cử Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp càng tôn thêm vẻ lộng lẫy của quê Bác hôm nay. Trong dòng người hành hương về thăm quê Bác những ngày này, có những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu dìu đi, những đoàn Cựu chiến binh đến từ Chiến khu Việt Bắc, những nam nữ thanh niên, những em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc…
Lễ hội Làng Sen ở Nam Đàn |
Sau lũy tre xanh bình dị, dưới nếp nhà nhuốm màu thời gian, tất cả mọi người chăm chú ngắm nhìn những kỷ vật thân thương, thành kính lắng nghe những câu chuyện kể về Người đối với quê hương, đất nước. Vẫn còn đây ao sen ngào ngạt hương thơm, nét xưa về vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người không kìm nổi lòng mình, nghẹn ngào bật khóc... Không cảm động sao được, bởi chính những kỷ vật hết sức bình dị, đơn sơ là điểm tựa đầu đời cho một Danh nhân văn hoá thế giới và hình thành nên một nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh. Em Mùa Chờ Lam, học sinh Trường dân tộc nội trú Kỳ Sơn (Nghệ An), mắt ứa lệ nói với tôi: “Các bạn nhỏ người Mông chúng em mới biết về quê hương Bác Hồ qua những trang sách và trên vô tuyến. Lần này được về báo công với Bác và tham dự Lễ hội Làng Sen em hạnh phúc vô cùng. Em quyết tâm học thật giỏi xứng đáng với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu và để năm sau lại được về báo công với Bác. Em sẽ kể với các bạn về những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được thấy trong chuyến đi này để người Mông chúng em hiểu hơn về Bác Hồ kính yêu”.
Tiếng cô thuyết minh nhẹ nhàng: “Và các anh chị biết không, đây chính là nơi hình thành lòng yêu nước thương dân của Bác chúng ta. Đây là bàn ăn mà người Nghệ thường gọi là cái mươn, nơi cả nhà Bác quây quần ngày hai bữa, bữa trưa và bữa tối...”.
Tất cả như lặng đi khi nghe những câu chuyện thân thương, mà rất đỗi bình dị cuộc đời của Bác qua lời giới thiệu của cô thuyết minh. Ngày 09/12/1961, lần thứ 2, Người về thăm quê và cũng là lần cuối cùng những bờ tre, hàng mận hảo, căn nhà thân thương cùng bà con Nam Đàn không bao giờ được đón Bác về nữa. Lần thăm quê này cũng là lần Bác đi xa mãi mãi… và cũng chính lần đó Bác đã căn dặn cấp uỷ, chính quyền và mọi người dân phải phấn đấu xây dựng Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu. Thực hiện ước nguyện của Người, những năm qua mọi người dân Kim Liên và Nam Đàn luôn ra sức phấn đấu lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh sớm được như mong muốn của Bác.
Một góc thị trấn Nam Đàn những ngày tháng 5 |
Ý thức được trách nhiệm, tình cảm của mình đối với công lao trời biển của Bác, nhà nhà, người người ở Kim Liên luôn ra sức thi đua lao động sản xuất, làm nhiều việc tốt. Ai cũng phấn đấu để làm rạng rỡ bộ mặt quê Bác bằng chính công sức của mình. Điều đó được thể hiện bằng chính những thành quả, sản phẩm từ bàn tay, khối óc của mỗi người dân Kim Liên.
Trên con đường từ làng Sen sang làng Trù trải dài dưới nắng vàng là những ruộng lúa năng suất cao như: Giống lúa Khải Phong 7, giống lúa BIO404 đang thời kỳ làm đòng và những thửa ớt cay Thái Lan NĐ1 trĩu quả. Không còn phương thức sản xuất thô sơ như trước mà nhiều phương tiện cơ giới hoá rền vang trên đồng ruộng. Ghé thăm một gia đình làm nghề mây tre đan trong làng Trù, qua trao đổi với bác chủ nhà, chúng tôi được biết, hiện nay ở Kim Liên các ngành nghề, dịch vụ phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào làm kinh tế trang trại và xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Các mô hình về chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp tăng mạnh; các ngành nghề truyền thống như nghề mây tre đan, làm tranh đá qúy được chú trọng phát triển. Hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa 100%, đời sống của người dân không ngừng nâng lên. Những năm qua Kim Liên luôn là điểm sáng văn hóa của huyện Nam Đàn, Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Rời Kim Liên, chúng tôi xuôi theo đường du lịch ven sông Lam sang các xã bên kia sông. Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận sự đổi thay kỳ diệu của quê Bác. Rất nhiều công trình, khu công nghiệp nhỏ và vừa đang cho ra lò những sản phẩm chất lượng cao, hai bên đường bạt ngàn những cánh đồng sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày.
Du khách về thăm quê nội Bác Hồ ở Làng Sen |
Bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Thực hiện ước nguyện của người và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi người dân Nam Đàn luôn xác định, trước hết phải ra sức lao động, sản xuất để thoát khỏi đói nghèo. Vì thế, trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân Nam Đàn đã khai thác tối đa mọi nguồn lực và tạo ra những kết quả khá tốt trên nhiều mặt. Một trong những yếu tố quyết định đưa nền kinh tế phát triển đi lên là việc mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất dịch vụ hàng hoá. Hiện nay Nam Đàn có gần hai mươi khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhỏ và vừa cùng với gần 100 trang trại. Nhiều dự án đã và đang hoàn thiện đưa vào sử dụng như: Trung tâm thương mại Nam Đàn CENTER; Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao tại xã Nam Nghĩa; hai dự án dệt may tại cụm công nghiệp Nam Giang và Công ty Nam Đàn HANOISIMEX; Công ty HAIVINA Hàn Quốc; Khu trung tâm thương mại tại xã Vân Diên…”.
Chính nhờ chuyển dịch cơ cấu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với sự quan tâm, đầu tư của trên đã góp phần đưa nền kinh tế Nam Đàn liên tục tăng trưởng, tốc độ bình quân đạt 10,1%/năm. Giá trị sản xuất năm 2010 đạt 1.046,6 tỷ đồng, tăng 16,98% so với năm 2009. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,1% (năm 2005) xuống 6,5% (năm 2010), 20/24 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế… Kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi, thiết chế văn hoá ngày càng được hoàn thiện, gần 100% các tuyến giao thông được bê tông hoá.
Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Nam Đàn luôn gìn giữ và xây dựng nếp sống “Người Nam Đàn”. Hàng năm, Lễ hội Làng Sen được tổ chức quy mô từ cấp cơ sở trở lên tạo thành một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá quê Bác. Chất lượng giáo dục được quan tâm đúng mức và đạt nhiều thành quả đáng khích lệ: Hiện có 34 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, hàng năm có từ 1.200 - 1.300 em thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.
Nam Đàn là một trong số các địa phương điển hình của tỉnh Nghệ An trong đợt tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua cuộc vận động đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu học và làm theo Bác, trong đó có 56 tập thể, 87 cá nhân điển hình được suy tôn ở các cấp, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước ở Nam Đàn và đó cũng là động lực chính góp phần đưa Nam Đàn phát triển đi lên.
Niềm vui lại đến với người dân quê Bác, trong dịp kỷ niệm 121 ngày sinh của Người và 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Nam Đàn tiếp tục được chọn là một trong năm huyện của cả nước xây dựng nông thôn mới. Đây chính là tiền đề, cơ sở góp phần đưa Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Tạm biệt Nam Đàn trong nắng chiều dịu ngọt. Quốc lộ 46 vẫn tấp nập những chuyến xe đưa du khách về thăm quê Bác.
Phùng Ngọc Thăng