Năm của vắc-xin

GD&TĐ - Những giờ cuối cùng của năm 2020 trôi qua, khép lại một năm biến động bậc nhất trong lịch sử nhân loại khi cả thế giới gần như tê liệt vì Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mối lo về đại dịch vẫn còn nguyên nhưng hiện đã có nhiều tín hiệu lạc quan trong năm tới, khi vắc-xin ngừa virus Corona sẽ lần lượt được triển khai đại trà.

Không khí đón năm mới trên thế giới năm nay mang màu sắc u ám là chủ đạo giống như thời chiến trước đây, do hầu hết các hoạt động chào mừng bị hủy bỏ trong khi nhiều nước ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ người dân còn bị cấm ra đường do phong tỏa phòng dịch. Biến thể của virus có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% xuất phát từ Anh còn đang khiến dịch bệnh trên toàn cầu thêm phức tạp.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đang xuất hiện ngày càng nhiều khi thế giới bước vào thời khắc chuyển giao sang năm mới. Hàng loạt nước đang bắt đầu cấp phép hoặc tiến hành chương trình tiêm chủng đại trà vắc-xin ngừa Covid-19. Tại Anh, trong ngày 31/12 có thêm một loại vắc-xin nữa được phê duyệt do Đại học Oxford và hãng AstraZeneca sản xuất.

Trước đó gần một tháng, Anh cũng trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt loại vắc-xin của hãng Pfizer-BioNTech. Với hai loại vắc-xin này, người dân xứ sở sương mù đang tràn đầy hy vọng được tiêm chủng toàn bộ để chống lại đại dịch đang ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của virus biến chủng. Do đó, trong năm mới 2021, khó có gì ngoài vắc-xin có thể chi phối đời sống người dân Anh.

Tương tự như vậy, hàng trăm triệu người Mỹ cũng đang chờ đến lượt được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sau khi những mũi đầu tiên của chương trình được triển khai. Đây cũng sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi nhậm chức vào ngày 21/1 tới. Ông chỉ trích tiến độ triển khai vắc-xin của chính quyền Trump hiện nay và tuyên bố sẽ đẩy mạnh phân phối loại “phao cứu sinh” này ngay khi tiếp quản Nhà Trắng.

Ông Joe Biden đặt mục tiêu sẽ tiêm phòng cho hơn 100 triệu người dân Mỹ trong vòng 100 ngày đầu của nhiệm kỳ. Trong bối cảnh đại dịch đã cướp đi sinh mạng 335.000 người Mỹ, kế hoạch này thực sự là một thách thức không nhỏ đối với ông. Tính đến ngày 30/12, đã có khoảng 11,4 triệu liều vắc-xin các loại do hai hãng Pfizer và Moderna cung cấp được phân phối tại Mỹ nhưng hiện mới chỉ có hơn 2 triệu người được tiêm.

Vấn đề hậu cần phức tạp trong bảo quản khiến tiến độ triển khai vắc-xin có sự khởi đầu chậm hơn so với kỳ vọng của chính quyền. Đây có thể là thách thức lớn nhất cho kế hoạch tiêm chủng trong năm 2021 của tân tổng thống Mỹ.

Theo các chuyên gia tính toán, để toàn bộ người dân được tiêm chủng có thể mất hàng năm nữa. Do đó, vấn đề vắc-xin sẽ “chiếm sóng” đời sống xã hội của người dân nước này trong năm tới. Trong khi đó, ca mắc đầu tiên của biến chủng virus từ Anh đã được ghi nhận tại Mỹ hôm 30/12, càng làm dấy lên những lo ngại khi đại dịch đang rất nghiêm trọng tại nước này.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo con người sẽ phải sống chung với đại dịch vì hết Covid-19 có thể lại xuất hiện đại dịch khác còn nguy hiểm hơn, nếu nhân loại không đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cuộc chiến giữa vắc-xin với các đại dịch vì thế sẽ không có hồi kết, nhưng ít nhất thế giới đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong năm 2021 khi các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được triển khai ngày một nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ