Đặc biệt, một số loại có thể được huấn luyện để tiêu thụ rác thải nhựa nhanh hơn. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Mycologia, chuyên xuất bản các bài báo về mọi khía cạnh của nấm, bao gồm địa y.
Tiềm năng chưa được khai thác
Theo Ronja Steinbach - người đứng đầu nghiên cứu với tư cách là sinh viên chuyên ngành sinh học biển tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Hawai‘i, nhựa trong môi trường ngày nay có tuổi thọ cực kỳ dài và gần như không thể phân hủy bằng công nghệ hiện có.
“Nghiên cứu của chúng tôi nêu bật nấm biển là một nhóm đầy hứa hẹn, phần lớn chúng chưa được khai thác về cách mới nhằm tái chế và loại bỏ nhựa khỏi thiên nhiên. Rất ít người nghiên cứu nấm ở đại dương”.
Nấm được biết đến với khả năng phân hủy các vật liệu hữu cơ cứng. Nhiều loài có thể tiêu hóa các chất mà các sinh vật khác không thể, như gỗ và kitin. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về nấm và quá trình phân hủy nhựa đều tập trung vào các loài trên cạn. Nhóm nghiên cứu của Đại học Hawai‘i muốn xem liệu nấm biển có khả năng tương tự hay không.
Họ đã thu thập nấm từ nhiều nguồn khác nhau, gồm cát, rong biển, san hô và bọt biển ở vùng nước ven bờ của Hawai‘i, rồi thử nghiệm những loại nấm này để xem chúng có thể phân hủy nhựa hay không, đặc biệt là polyurethane, một vật liệu phổ biến có trong bọt, chất kết dính và các sản phẩm y tế.
Các nhà nghiên cứu đã đặt polyurethane vào đĩa petri - cùng với nhiều loại nấm khác nhau - và quan sát sự tương tác của chúng. Một số loại nấm cho thấy khả năng phân hủy nhựa rõ ràng.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã lấy những loại nấm phát triển nhanh nhất và cho chúng tiếp xúc với polyurethane theo thời gian để xem liệu chúng có thể tiến hóa để tiêu thụ nhựa hiệu quả hơn nữa hay không.
Các loại nấm thích nghi nhanh chóng. Ronja Steinbach cho biết, họ rất ngạc nhiên khi phát hiện hơn 60% số nấm thu thập được từ đại dương có khả năng ăn nhựa và biến nhựa thành nấm. Chúng cũng thích nghi rất nhanh, chỉ trong 3 tháng một số loại nấm đã có thể tăng tốc độ ăn lên tới 15%.
Những phát hiện cho thấy nấm biển có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy ô nhiễm nhựa. Tốc độ mà một số loại nấm thích nghi với việc ăn nhựa cũng tạo hy vọng các nghiên cứu sâu hơn có thể nâng cao hiệu quả của chúng hơn nữa.

Mở rộng nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu của Đại học Hawai‘i đang muốn kiểm tra xem những loại nấm này có thể phân hủy các loại nhựa khác hay không, như polyethylene và polyethylene terephthalate. Những vật liệu này thậm chí còn chống phân hủy tốt hơn và là một số loại nhựa phổ biến nhất được tìm thấy trong đại dương.

Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu để hiểu các cơ chế phân tử đằng sau khả năng phân hủy nhựa của nấm. Bằng cách nghiên cứu các quá trình này ở cấp độ tế bào, họ hy vọng sẽ cải thiện các kỹ thuật phân hủy nhựa. Bước tiếp theo là hợp tác với các chuyên gia khác để phát triển các giải pháp thực tế dựa trên những phát hiện này để làm sạch bãi biển và đại dương.
Nếu các nhà khoa học có thể tinh chỉnh các quá trình phân hủy nhựa của nấm, sinh vật này có khả năng được sử dụng ở quy mô lớn hơn và trở thành một công cụ quan trọng để giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về thực trạng rác thải nhựa đại dương, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Vậy nên, nghiên cứu của Đại học Hawai‘i có thể khởi xướng những cách mới để làm sạch đại dương và giải quyết một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay.