Mối nguy hại của rác thải nhựa
Lần đầu tiên, các nhà khoa học Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã áp dụng chỉ số làm sạch bãi biển CCI (clean coast index) để đánh giá độ sạch của các bãi biển tại tỉnh Thanh Hóa trong đề tài theo hướng khoa học và công nghệ biển. Cũng trong nghiên cứu này, quy trình giám sát rác thải nhựa trên các bãi biển phù hợp với thực tế tại Việt Nam đã được xây dựng.
ThS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, rác thải nhựa là chất ô nhiễm mới nổi, khó phân hủy trong môi trường, vật chất trung gian lan truyền chất ô nhiễm, phân bố rộng và có mặt hầu hết khắp mọi nơi trên thế giới (trong môi trường nước, trầm tích của các con sông lớn, lớp băng ở hai cực của vỏ Trái đất, khu bảo tồn, quần đảo xa xôi).
Rác thải nhựa có ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đây là phương tiện vận chuyển các loài sinh vật ngoại lai, vi sinh vật gây bệnh, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và lan rộng ra khắp môi trường biển. Một số lượng lớn các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi rác thải nhựa.
Ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường biển đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay trên toàn cầu, là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững, gây tác động tiêu cực đến môi trường nước, hệ sinh thái thủy sinh, nền kinh tế, sức khỏe con người.
Việt Nam hiện là nước có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường biển đứng thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng về mật độ, bao phủ ngày càng rộng về diện tích ở các vùng ven biển nước ta, làm mất mỹ quan của các khu vực ven biển, bãi biển, mất cân bằng sinh thái, thu hẹp nơi sinh sản và môi trường của một số loài sinh vật bản địa.
Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa gây ra, việc thu thập thông tin, số liệu phản ánh thực trạng rác thải nhựa ở vùng ven biển là rất cần thiết. Nhóm nghiên cứu của ThS Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự đã thực hiện “Đánh giá mức độ tích lũy rác thải nhựa tại bãi biển tỉnh Thanh Hóa”.
Đánh giá độ sạch của bãi biển
Theo ThS Nguyễn Thị Lan Hương, nhóm đã xây dựng quy trình giám sát rác thải nhựa cỡ lớn (>5mm) tại bãi biển, giám sát vi nhựa trong môi trường nước cửa sông, nước biển, trong trầm tích cửa sông, trầm tích bãi biển. Đồng thời, nhóm đã đánh giá mức độ tích lũy rác thải cỡ lớn tại 3 bãi biển gồm: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa thông qua số lượng và mật độ.
Nhóm thực hiện phân loại rác thải nhựa cỡ lớn theo vật phẩm và tính chất polymer từ đó, xác định nguồn gốc xuất phát của rác trên bãi biển. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu đã xác định nồng độ vi nhựa có mặt trong môi trường nước, trầm tích bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và khu vực Cửa Hới, tỉnh Thanh Hóa. Phân loại vi nhựa theo kích thước, màu sắc, hình dạng từ đó xác định nguồn gốc xuất phát của vi nhựa và rủi ro sinh thái đối với hệ sinh thái thủy sinh.
Thông qua việc tính toán chỉ số CCI để đánh giá độ sạch bãi biển của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hầu hết các bãi biển được xếp vào mức sạch trung bình đến bẩn.
Vào mùa du lịch, các bãi biển có chỉ số CCI lớn hơn mùa vắng khách du lịch. Từ kết quả nghiên cứu, một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa cỡ lớn, vi nhựa ở bãi biển, môi trường nước, trầm tích phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Thanh Hóa được đề ra.
ThS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, việc quan trắc, giám sát rác thải nhựa cần được thực hiện định kỳ, liên tục nhằm cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp Trung ương và địa phương một bức tranh tổng thể liên quan đến rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường biển.
Hơn nữa, cần xây dựng hướng dẫn kỹ thuật của Việt Nam về giám sát rác thải nhựa tại các khu vực ở địa phương giúp các cơ quan có liên quan các cấp theo dõi định kỳ việc thực hiện chính sách về rác thải nhựa.
Các nhà khoa học cũng mong muốn có thêm nhiều chuyến khảo sát để đánh giá hoạt động du lịch, dịch vụ ảnh hưởng đến mức độ tích lũy rác thải nhựa trong môi trường vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở khoa học cho các đơn vị chức năng liên quan có giải pháp phù hợp giảm thiểu nguồn rác thải vào môi trường biển tại địa phương.