Nắm bắt nhu cầu năng lượng để giúp trẻ phát triển tốt

GD&TĐ -  Năng lượng không phải là các chất dinh dưỡng cần thiết như các vitamin, vi khoáng nhưng năng lượng là thứ rất cần thiết trong cơ thể cho quá trình trao đổi chất,

Nắm bắt nhu cầu năng lượng để giúp trẻ phát triển tốt

Năng lượng không phải là các chất dinh dưỡng cần thiết như các vitamin, vi khoáng nhưng năng lượng là thứ rất cần thiết trong cơ thể cho quá trình trao đổi chất, cho chức năng sinh lý, hoạt động của cơ, cho quá trình sản xuất nhiệt, quá trình tăng trưởng và tổng hợp của các mô mới. Năng lượng được giải phóng trong quá trình oxy hóa từ các thành phần chất đạm (protein), chất bột (carbohydrate) và chất béo (lipid) của thực phẩm khi được ăn vào.

Đặc biệt ở trẻ em, năng lượng còn được biết đến là điều kiện rất cần cho sự tăng trưởng, gồm có hai thành phần: 1) năng lượng được sử dụng để tổng hợp các mô sinh trưởng và 2) năng lượng gửi vào các mô, về cơ bản các thành phần này là chất béo và protein, vì hàm lượng carbohydrate ở dạng này là không đáng kể. Vì vậy để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho trẻ đặc biệt trẻ càng nhỏ thì yêu cầu tỷ lệ chất đạm (đặc biệt là đạm động vật) và chất béo càng cao trong khẩu phần.

Đơn vị đo năng lượng thường dùng ở Việt nam là kilocalorie (kcal), hay calorie (1 kcal = 1.000 cal), được gọi tắt là “calo”; ngoài ra có thể dùng đơn vị kilojoule (kJ) hoặc megajoule (1 MJ = 1.000 kJ), 4,18 kilojoules tương đương với 1 kcal.

 Khác với người trưởng thành, dinh dưỡng trẻ em cần có sự cân bằng giữa năng lượng cao và hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Vì vậy cần thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với kiểm soát cân nặng, kết hợp với tập thể dục thường xuyên.
Sự cân bằng giữa hai yếu tố này thay đổi từ hàm lượng chất béo rất cao của giai đoạn sơ sinh đến ít chất béo, nhiều chất xơ của chế độ dinh dưỡng ở tuổi trưởng thành. Chế độ ăn uống cho trẻ em nên tập trung vào nguồn thức ăn tươi tự nhiên để cung cấp năng lượng và nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.
Chế độ ăn kiêng hay các loại thực phẩm nhiều gia vị chua cay mặn có khẩu vị mạnh cần tránh cho trẻ dùng. Cần khuyến khích cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu một thái độ tích cực và tự nguyện theo  một thói quen ăn uống lành mạnh.

Sau đây là chế độ dinh dưỡng phù hợp với các lứa tuổi và đặc điểm phát triển của trẻ:

1. Giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi

 Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Từ tháng thứ 7 đến 24 tháng vì cơ thể đang phát triển nhanh chóng và do đặc điểm hiếu động và tiêu hao năng lượng nhiều hơn hơn các lứa tuổi khác nên trẻ có yêu cầu năng lượng rất cao. Do đó, lứa tuổi này cần được cung cấp các loại thực phẩm cao năng lượng (cũng như giàu các vitamin và khoáng chất nữa). Nhưng phải lưu ý rằng, dạ dày của trẻ chưa đủ lớn để có thể chứa được nhiều thức ăn nên cần cho trẻ ăn ít một và nhiều bữa trong ngày.

Trẻ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo nên chuyển đổi từ chế độ ăn uống có năng lượng rất cao của giai đoạn sơ sinh (với khoảng 50 % tổng năng lượng đến từ chất béo) sang chế độ ăn uống cho trẻ năm tuổi, khi đó hàm lượng chất béo cần phải điều chỉnh thấp đi trong khẩu phần  (nhưng vẫn còn khoảng 35 % năng lượng từ chất béo).

Tóm lại giai đoạn dưới 5 tuổi, một chế độ ăn uống ít chất béo và nhiều chất xơ sẽ không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ phát triển khỏe mạnh nên gia đình rất cần lưu ý và khéo léo cho trẻ tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng vì sở thích ăn uống thường được thiết lập từ giai đoạn rất sớm của cuộc đời.

2. Giai đoạn tuổi học đường (từ 6 tuổi trở lên)

Các yêu cầu năng lượng của tuổi học đường vẫn còn cao vì trẻ tiếp tục phát triển và vẫn có xu hướng ưa hoạt động thể lực. Vì vậy, cần tiếp tục hướng trẻ tới chế độ ăn uống lành mạnh của người trưởng thành, nhưng vẫn cần tập trung vào các thực phẩm có năng lượng cao và giàu dinh dưỡng.

Sự thay đổi trong chế độ ăn của trẻ tuổi học đường nên chuyển đổi dần dần với sự gia tăng dần chất xơ, giảm dần chất béo và tăng chất bột đường. Lưu ý lứa tuổi mới đi học (trẻ từ 4-6 tuổi) sẽ vẫn cần các bữa ăn nhỏ và nhiều bữa hơn trong ngày vì dạ dày trẻ chưa đủ lớn để ăn được các bữa ăn với số lượng thực phẩm nhiều như người trưởng thành.

Các mức khuyến nghị về nhu cầu năng lượng cho trẻ em từ khi sinh đến 9 tuổi không phân biệt giới được ghi trong bảng sau:

Nắm bắt nhu cầu năng lượng để giúp trẻ phát triển tốt ảnh 2

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ