Trước khi có lịch dương lịch - Gregorian, thế giới từng dùng lịch Julian. Người có công tạo ra lịch này là nhà độc tài huyền thoại Julius Caesar (100 - 44 TCN) và để ấn định ngày đầu năm như ý, ông đã can thiệp vào thời gian. Thú vị là ngoài Caesar, thế giới vẫn còn 2 nhà quân sự nữa “nhúng tay” vào “ăn bớt ngày, tháng”.
Sai sót nhẹ mà nặng
Tính đến nay, thế giới đã 400 năm sử dụng lịch Gregorian. Như tất cả chúng ta đều biết, lịch này chia 1 năm thành 12 tháng, 365 ngày và 4 năm nhuận 1 lần. Người giới thiệu lịch Gregorian là Giáo hoàng Gregory XIII (1502 - 1585), vào năm 1582 và ông đã cải cách nó từ lịch Julian.
Nguyên nhân khiến Giáo hoàng Gregory XIII phải ra tay điều chỉnh lại lịch Julian là vì sai số thời gian của lịch này làm ảnh hưởng đến ngày lễ Phục sinh. Đáng lẽ, lễ Phục sinh luôn rơi đúng vào Chủ nhật sau ngày trăng tròn của Giáo hội hoặc sau ngày 21 tháng 3 (ngày xuân phân) nhưng, vì lịch Julian xác định 1 năm có 365,25 ngày, thành ra thêm vào 11,5 phút/năm.
Sau nhiều thế kỷ, thời gian bị thêm vào này dồn lại thành nhiều ngày, khiến lễ Phục sinh được tính toán trên lịch bị đẩy ra xa ngày xuân phân trên thực tế. Vào thế kỷ XVI, khoảng cách giữa ngày xuân phân trên thực tế và trên lịch Julian đã cách nhau hẳn 10 ngày. Giáo hội vô cùng quan trọng ngày tổ chức lễ Phục sinh nên không thể nào chấp nhận thêm được nữa.
Lịch Gregorian điều chỉnh lại sai sót của lịch Julian và nhờ đơn giản, dễ hiểu, nó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và sử dụng đến tận bây giờ cũng như sẽ tiếp tục trong tương lai. Tuy nhiên, nếu so về bề dày lịch sử được sử dụng, nó vẫn còn rất ngắn so với lịch Julian.
Lịch Julian khiến 1 năm dôi ra 11,5 phút. Ảnh: Pinterest.com |
“Năm hỗn độn cuối cùng”
Lịch Julian được thiết lập vào năm 46 TCN, dưới chỉ thị của Thống lĩnh Tối cao Julius Caesar. Đây là vị tướng và chính khách người La Mã lừng danh nhất lịch sử, 1 trong 3 tam hùng cùng với Marcus Licinius Crassus (115 - 53 TCN) và Pompey (106 - 48 TCN).
Mục đích của Caesar trong việc xây dựng lịch Julian là sửa chữa lỗi sai của lịch La Mã nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của các giáo chủ. Lịch La Mã cũng chia 1 năm thành 12 tháng, nhưng cả năm chỉ có 355 ngày, tức là ngắn hơn 10 ngày so với năm thực tế. Để bắt kịp chu kỳ Mặt trời, nó thêm 22 hoặc 23 ngày vào năm kế tiếp, khiến cho tổng số ngày giữa 2 năm sẽ xen kẽ nhau thành 355 và 377 hoặc 378 ngày.
Giống như lịch Gregorian gọi ngày nhuận, năm nhuận, lịch La Mã cũng gọi và cộng thêm ngày nhuận vào năm nhuận. Tuy nhiên, thời gian nhuận không được ấn định một cách có hệ thống mà hoàn toàn tùy thuộc vào giáo chủ, người đứng đầu giáo hội.
Thời cổ đại, giáo hội là hậu phương của người nắm quyền. Rất khó để tránh được việc các giáo chủ lạm dụng quyền lực kéo dài năm của người mà họ ủng hộ và ngược lại, “ăn bớt” thời gian của đối thủ. Hậu quả là người dân La Mã không thể biết hiện tại đang là ngày nào.
Ngay sau khi dẹp tan Nội chiến La Mã và đứng lên nắm quyền, thiết lập chế độ độc tài, Caesar cho triệu tập các nhà triết học, thiên văn học và toán học giỏi nhất. Ông ra lệnh cho họ tạo ra bộ lịch mới đồng bộ với Mặt trời và không cho phép sự can thiệp của con người.
Các học giả La Mã tính ra 1 năm có 365 ngày và 6 giờ. Caesar bèn quyết định, bộ lịch mới sẽ có 365 ngày 1 năm và cứ sau 4 năm lại có 1 năm nhuận, 366 ngày do cộng dồn các 6 giờ dư ra lại.
Thực tế, Trái đất chỉ mất 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 45 giây để quay quanh Mặt trời. Vì thế, lịch Julian vẫn chưa chính xác lắm. Tuy nhiên, so với lịch La Mã, nó vẫn là cuộc đại cải cách.
Thời điểm các học giả La Mã làm xong lịch mới là cuối năm 46 TCN. Caesar muốn năm mới, 45 TCN phải bắt đầu từ ngày 1/1, nên đã đẩy toàn bộ số ngày dôi ra theo lịch La Mã này vào năm cũ.
Chúng bao gồm 1 tháng nhuận (23 ngày) và 2 tháng nhuận khác (lần lượt là 33 và 34 ngày), tổng cộng 90 ngày. Thành thử, năm 46 TCN có đến 445 ngày. Ông cũng đặt tên cho năm này là “năm hỗn độn cuối cùng”.
Với 445 ngày, năm 46 TCN được ghi nhận là năm dương lịch dài nhất trong lịch sử nhân loại. Chỉ 1 năm sau khi ban bố lịch mới, Caesar bị ám sát. Người thừa kế ông, Mark Anthony (83 - 30 TCN) đã đổi tên tháng Quintilis (tháng 7) thành tháng Julius để tôn vinh ông.
Tính đến thời điểm bị lịch Gregorian thay thế, lịch Julian đã được phương Tây sử dụng 1.627 năm.
Lenin làm lịch Nga 'nhảy cóc' từ ngày 31/1/1918 sang ngày 14/2/1918. Ảnh: Commons.wikimedia.org |
Hậu duệ can thiệp lịch
Trong khi hầu hết châu Âu áp dụng lịch Julian và sau đó là lịch Gregorian, Nga trung thành với lịch Byzantine (Đông La Mã). Lịch này cũng dựa trên lịch Julian, nhưng ngày đầu năm của nó là 1/9 và năm đầu tiên đã là năm 5509.
Năm 1699, Peter Đại đế (1672 - 1725) quyết định từ bỏ lịch Byzantine và sử dụng lịch Gregorian cho đồng bộ với châu Âu. Ông tin tưởng, đây là một trong các bước đi mang tính quyết định nhằm kéo Nga theo kịp sự phát triển của châu lục.
Theo lịch Byzantine thì lúc này, Nga đang là năm 7208. Giống như Caesar, Peter Đại đế cũng muốn ngày đầu tiên theo lịch mới phải là ngày 1/1. Ngày 19/12/7208 theo lịch Byzantine, ông ban hành sắc lệnh “ngày 31/12/7208 sẽ được đổi thành ngày 1/1/1700”.
Vì tháng đầu năm của lịch Byzantine là tháng 9 nên thành ra năm 7208 bị Peter Đại đế cắt mất hẳn 8 tháng, chỉ còn có 4 tháng. Lịch sử Nga ghi nhận đây là năm ngắn nhất.
Mặc dù được Peter Đại đế cực lực khuyến khích, thậm chí nỗ lực áp đặt, lịch Gregorian bị người Nga ghẻ lạnh. Thay vì lịch Byzantine bị cấm, họ chuyển sang dùng lịch Julian.
Đến năm 1918, 1 năm sau Cách mạng Tháng 10 Nga, chênh lệch giữa lịch Julian và lịch Gregorian là 13 ngày. Chủ tịch Vladimir Ilyich Lenin (1870 – 1924), vì muốn đồng bộ với lịch Gregorian nên đã học theo Peter Đại đế, cắt đi 14 ngày. Vì thế mà lịch Nga đã “nhảy cóc” từ ngày 31/1/1918 sang ngày 14/2/1918.