Năm 2023, 'rực rỡ' hay 'tàn tro' với ngành điện ảnh?

GD&TĐ - Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sang năm 2023, những người làm điện ảnh lòng đầy hy vọng vào sự hồi phục của thị trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều dự án chốt ngày ra rạp. Một số còn dở dang cũng nhanh chóng hoàn thiện để ra mắt khán giả.

Không khí này cũng tác động tới các đơn vị quản lý. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội trở lại đường đua, ngầm ẩn thêm nhiều sứ mạng mới. Giải Cánh diều cũng được tổ chức hoành tráng, náo nhiệt ở thành phố biển Nha Trang, gọi đúng tên “Đêm tối rực rỡ” - bộ phim được lòng cả giới nghề và khán giả để trao giải Cánh diều vàng.

Gần cuối năm, “Tro tàn rực rỡ” cũng nhận giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim Quốc tế ba châu lục. Từ hai bộ phim mang đậm màu sắc nghệ thuật này, không ít người đặt niềm tin vào sự “rực rỡ” của điện ảnh nước nhà trong một tương lai gần.

Mặt khác, điện ảnh là một nền công nghiệp nên sự cạnh tranh, doanh thu, lợi nhuận là điều phải tính toán nghiêm túc. Đã xa rồi quan niệm cho rằng làm phim chỉ để cất kho, phim phòng vé chỉ cần hài hước, ngôn tình, hành động…

Trong gần 40 phim Việt chiếu rạp năm qua, số thu hồi vốn và có lời đếm chưa đủ 10 đầu ngón tay, còn lại là các phim thất bại, thậm chí thua lỗ lớn. Có không ít phim bị gắn mác “thảm họa” như trường hợp của “Huyền sử vua Đinh”, “Duyên ma”, “Cù lao xác sống”, “Virus cuồng loạn”.

Phản ứng của khán giả từ những phim này cho thấy sự tự trọng và hiểu biết, không “hòa hoãn” với những người làm phim coi thường nghệ thuật.

Ngay trường hợp phim “Thanh sói” của đả nữ Ngô Thanh Vân - một dự án được đầu tư và truyền thông từ rất sớm, đi theo cái “bóng” của người chị em “Hai Phượng” từng đạt doanh thu “rực rỡ” năm 2019. Song ngay trong ba ngày đầu ra mắt, hiệu ứng phòng vé của “Thanh sói” đã đi ngược lại niềm tin của cả ê-kíp.

Có nhiều cách lý giải vì sao phim Việt bại trận ngay trên sân nhà. Do kinh tế suy thoái, thu nhập giảm sút. Do áp lực của những phim “bom tấn” nhập khẩu. Do sự phát triển ào ạt của các nền tảng mạng… Song điều quan trọng nhất là khán giả đã quá hiểu mặt bằng phim Việt đang ở đâu, tư duy của người làm điện ảnh Việt như thế nào.

Nhìn lại năm qua, những điểm sáng dù “rực rỡ” vẫn không đủ sức tỏa sáng, không đủ sưởi ấm ngôi nhà điện ảnh Việt. Ngôi nhà ấy đang lộ ra sự cũ kỹ, giản đơn, dễ dãi, lỏng lẻo. Ngôi nhà ấy cần phải được tu sửa lại, cố kết lại, dẫu mất thời gian và tiền bạc nhưng cần phải làm, để yên tâm trước nắng mưa gió bão.

Cơ chế thị trường tạo sân chơi rộng rãi cho người làm nghệ thuật. Áp lực, sự cạnh tranh là điều cần thiết, bởi quy luật sinh tồn cho thấy nếu không có mâu thuẫn sẽ không phát triển. Nếu cứ đứng yên một chỗ, dùng những điều tâm huyết để lý giải, phân bua, phủ màu cho tác phẩm thì trong tương lai, không biết điện ảnh nước nhà sẽ “rực rỡ” hay “tàn tro”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.