(GD&TĐ)-Đó là con số mà Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào ngày hôm nay (14/3).
Báo cáo thường niên doanh nghiệp giúp các DN và những người quan tâm hiểu rõ hơn về tình hình phát triển của DNVN qua từng năm (ảnh MH) |
Đây là hoạt động thường niên do Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện. Báo cáo là một trong những tài liệu quan trọng giúp các doanh nghiệp và những người quan tâm hiểu rõ hơn về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam qua từng năm, trên cơ sở đó xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ công việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam
Tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Báo cáo thường niên 2011 đã khái quát được tình hình kinh doanh, bối cảnh môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế cho thấy bức tranh về năng lực kinh doanh của Việt Nam.
Báo cáo đã phân tích năng lực doanh nghiệp Việt Nam trên 4 khía cạnh: lao động, tài chính, đổi mới và tiếp cận thị trường đồng thời đi sâu vào phân tích thực trạng hoạt động của doanh nghiệp theo chủ đề lựa chọn của mỗi năm.
Chủ đề của báo cáo năm nay tập trung vào “Liên kết kinh doanh” hình thành chuỗi giá trị đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, liên kết chuỗi chúng ta còn yếu, vì vậy chúng ta cần tăng cường liên kết kinh doanh thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, vào các mạng sản xuất, hình thành cụm công nông nghiệp. Việc liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.
Báo cáo chỉ ra, tính đến 31/12/2011, tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp là 622.977, số lượng đăng ký mới đạt 77.548 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 513 nghìn tỷ đồng. Giảm 13% số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 5,7% về số vốn đăng ký so với năm 2010. Số doanh nghiệp giải thể trong năm 2011 cũng lên tới con số 7.611.
Dựa trên các phân tích đánh giá, Báo cáo đã đưa ra các nhận định và đề xuất một số các kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và định hướng cho việc liên kết kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách tham gia mạnh mẽ và các chuỗi giá trị, mạng sản xuất và cụm công nghiệp.
Các nhận định trong báo cáo mang tính chất mở, chủ yếu nhằm hỗ trợ thêm thông tin để các doanh nghiệp tự chọn và ra quyết định chiến lược phù hợp. Trong đó, báo cáo cũng đề xuất các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngọc Lan