Một người chinh phục đỉnh núi Halti. Ảnh: Alamy
BBC dẫn lời Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho hay bà rất tiếc phải bác bỏ ý tưởng này vì hiến pháp của đất nước cấm mọi hình thức hy sinh lãnh thổ.
"Việc điều chỉnh biên giới giữa hai nước dẫn đến những vấn đề thách thức về mặt pháp lý, trong đó có liên quan tới hiến pháp Na Uy", bà Solberg viết trong thư gửi ông Svein Leiros, thị trưởng thị trấn Kaafjord, phía bắc nước này, người ủng hộ chiến dịch tặng đỉnh núi.
Trước đó, một chiến dịch trên trên mạng xã hội được lập ra hồi tháng 7 đề nghị Na Uy tặng đỉnh núi Halti cho Phần Lan vào dịp quốc khánh năm sau. Một phần của núi hiện nằm trong lãnh thổ Phần Lan và tạo ra đỉnh cao nhất, nhưng đỉnh núi lại có 20 m băng qua biên giới sang lãnh thổ Na Uy.
Các nhà vận động đề nghị dịch chuyển biên giới để tặng đỉnh núi cao 1.330 m này cho Phần Lan. Họ cho rằng đây sẽ là "một món quà tuyệt vời cho đất nước chị em" nhân kỷ niệm 100 năm độc lập từ Nga và điều này không gây thiệt hại gì lớn cho quốc gia nhiều đồi núi cao như Na Uy.
Trang Facebook của chiến dịch thu hút 17.000 lượt thích và nhận được sự ủng hộ từ cả hai phía biên giới.
Bản đồ Na Uy, Phần Lan và vị trí đỉnh núi Halti. Đồ họa: BBC
Tuy nhiên, hiến pháp năm 1814 của Na Uy quy định rằng đất nước là "không thể chia tách", thậm chí đối với một khu vực có kích cỡ chỉ bằng sân bóng đá.
"Chúng tôi sẽ cân nhắc một món quà phù hợp khác cho Phần Lan nhân dịp kỷ niệm này", thủ tướng nói thêm.