Vào thời điểm chính vụ, na vừa ngon lại vừa bổ và rẻ. Những người ưu thích món trái cây ngọt mát này có thể thoải mái thưởng thức. Tuy nhiên, na chín cũng chính là mảnh đất màu mỡ để côn trùng đẻ trứng, nở thành giòi. Nếu không cẩn thận, khi ăn na rất dễ ăn phải giòi.
Lưu ý không chọn na nếu thấy có vẩy trắng, mắt đen hay có dấu hiệu chảy nước.
Thực chất, giòi là ấu trùng của các loài côn trùng. Chúng đẻ trứng vào các quả chín thông qua một lỗ cực nhỏ mắt thường khó nhìn thấy. Sau đó trứng chui vào thịt quả, nở thành ấu trùng (hay còn gọi là giòi). Càng lớn, giòi càng ăn khỏe, kết hợp với sự xâm nhiễm của vi khuẩn và nấm làm cho phần thối của quả chín bị lan rộng.
Trong khi ăn, nếu chẳng may nuốt phải giòi, chúng sẽ không gây hại trực tiếp cho cơ thể, nhưng về cảm quan thì nhiều người tỏ ra ghê sợ vì thứ côn trùng này.
Vì vậy, với những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn. Đặc biệt những quả na có mắt thâm đen, cứng, khi ăn cần cảnh giác vì sẽ không ngon, vị ủng hoặc đa số là có giòi.
Ngoài ra, khi ăn na cần tránh những điều sau đây:
Không ăn quá nhiều
Na có hàm lượng dưỡng chất cao, được nhiều người yêu thích và lầm tưởng đây là loại quả lành tính. Thực tế, na là trái cây có tính nóng, ăn nhiều sẽ gây táo bón, dễ nổi mụn. Do đó, chỉ nên ăn từ 1-2 quả/ngày.
Không cắn vỡ hạt na
Hạt na có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh, nhưng trong nhân lại chưa độc tố. Nếu cắn vỡ hạt thì độc tố rất dễ phát tán, gây hại cho cơ thể. Do đó, khi ăn na cần cẩn thận.
Không ăn khi chưa chín
Na chưa chín có hàm lượng tannin tương đối cao. Tannin có thể gây rối loạn tiêu, khó tiêu, tăng nguy cơ bị táo bón và tích trữ nhiều độc chất có hại cho sức khỏe.
Không ăn khi bị tiểu đường
Đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì không nên ăn nhiều na bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao.