Myanmar: Kỳ vọng lớn vào cải cách giáo dục

GD&TĐ - Cải cách giáo dục lần đầu tiên trong 20 năm qua của Myanmar có sự trợ giúp quan trọng của Nhật Bản, cũng vì vậy mà chương trình và sách giáo khoa có nhiều ảnh hưởng của GD Nhật Bản…

Học sinh tại Yangon sử dụng SGK mới kiểu Nhật Bản
Học sinh tại Yangon sử dụng SGK mới kiểu Nhật Bản

Chương trình mới “học mà vui”

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Giáo dục Myanmar đã biên soạn sách giáo khoa mới dựa trên chương trình mới phân phát tới gần 1,3 triệu học sinh lớp 1 khi năm học mới bắt đầu vào 1/6 vừa qua.

Học sinh lớp 1 Myanmar cảm thấy thích thú học tập hơn với những cuốn sách giáo khoa nhiều hình ảnh minh họa giống kiểu sách giáo khoa Nhật Bản – so với sách giáo khoa cũ đầy chữ và hiếm tranh ảnh.

Dự án hỗ trợ của JICA có tên CREATE (sáng tạo). Để hỗ trợ cải cách hệ thống giáo dục Myanmar, JICA bắt đầu thực hiện dự án CREATE từ tháng 5/2014 để phát triển sách giáo khoa mới trong tất cả các môn học từ lớp 1 - 5 bậc tiểu học.

Các nhóm xây dựng chương trình được chính phủ chỉ định nhận hỗ trợ của khoảng 40 chuyên gia Nhật Bản và hơn 60 chuyên gia giáo dục trong nước.

Chương trình mới gồm 9 môn: Toán, khoa học, xã hội, Nhạc và Họa, Đạo đức và Công dân, Tiếng Anh, Thể dục, Kĩ năng sống và học ngôn ngữ chính thức của Myanmar.

Theo JICA, sách giáo khoa mới được thiết kế giúp học sinh cải thiện kĩ năng giao tiếp, khuyến khích trí tò mò và vui thích học tập.

Sách giáo khoa cải cách cho học sinh lớp 2 trở lên đang tiếp tục được biên soạn.

Cải cách GD xoá bớt bất bình đẳng

Chính phủ của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đã tuyên bố giáo dục là một trong những chính sách ưu tiên, nhấn mạnh rằng cải cách bắt đầu từ cấp tiểu học và có kế hoạch thúc đẩy giáo dục phổ cập.

Thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử, chính phủ NLD đã tăng ngân sách năm nay cho lĩnh vực giáo dục thêm 8,4% lên 1,76 nghìn tỉ kyat (1,3 tỉ USD) so với 1,5 nghìn tỉ năm ngoái.

Lãnh đạo NLD và là cố vấn quốc gia, bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hoà bình, đã thành lập Mạng lưới Giáo dục NLD năm 2012. Mạng lưới đã thành lập hơn 200 trường miễn phí trên cả nước.

Trong một thời gian dài, người dân Myanmar đã phàn nàn về những cuốn sách giáo khoa toàn chữ nhàm chán rất khó để nhớ được những nội dung quan trọng.

Trong thời kì quân đội nắm quyền điều hành đất nước, hệ thống giáo dục Myanmar khá đơn giản. Ngoài sách giáo khoa nghèo nàn nội dung - nhạc và họa không được dạy trong nhà trường.

Cải cách giáo dục lần này được kì vọng sẽ xoá bớt bất bình đẳng trong giáo dục khi mà trẻ nhà nghèo được tiếp cận giáo dục có chất lượng.

Thời gian qua, những gia đình khá giả Myanmar ngoảnh mặt với hệ thống giáo dục công lập để theo đuổi giáo dục quốc tế - được coi là con đường bảo đảm một chỗ trong các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh hoặc Australia.

Tại Myanmar, lĩnh vực giáo dục quốc tế đang tăng trưởng nhanh. Theo Tập đoàn Tư vấn Trường Quốc tế (ISC), số trường quốc tế đã tăng từ 25 năm 2012 lên 43 trường vào tháng 11/2016. Số lượng tuyển sinh tăng hơn 75% trong giai đoạn trên, từ 6.700 học sinh lên 11.800 học sinh.

Những nhân tố dẫn tới nhu cầu học trường quốc tế tăng là kì vọng tăng lên của tầng lớp trung lưu và hạn chế của hệ thống giáo dục công lập.

Những cuốn sách giáo khoa mới được biên soạn lại lần đầu tiên trong khoảng 20 năm. Với những cuốn sách giáo khoa mới, học sinh sẽ bước vào một thế giới mới đầy hình ảnh minh họa. Giáo viên cũng nhận được sách hướng dẫn để cải thiện kĩ năng giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ