Mỹ và Mexico đạt thỏa thuận về NAFTA: Áp lực dồn sang Canada

GD&TĐ - Thông tin chính thức từ Nhà Trắng cho biết, Mỹ và Mexico đã nhất trí về việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sau khi kết thúc cuộc đàm phán vào hôm 27/8 theo giờ địa phương (rạng sáng 28/8 theo giờ Việt Nam). 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được trợ lý hỗ trợ kết nối điện thoại với Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto, để trao đổi về kết quả đàm phán NAFTA vừa diễn ra
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được trợ lý hỗ trợ kết nối điện thoại với Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto, để trao đổi về kết quả đàm phán NAFTA vừa diễn ra

Điều đó đồng nghĩa với việc bây giờ áp lực đang dồn về phía Canada, khi mà Mexico đã chấp thuận về các điều khoản do Mỹ đặt ra trong thương mại tự do cũng như các quy định giải quyết tranh chấp giữa các nước Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ, Canada và Mexico).

Hiệu ứng tích cực

NAFTA vốn được thông qua vào năm 1994, đã bị ông Donald Trump phản đối kịch liệt ngay từ giai đoạn tranh cử Tổng thống, với lý do là Mỹ đã chịu thiệt quá nhiều so với Canada và Mexico. Hai quốc gia Bắc Mỹ đã hết sức phản đối việc ông Trump đình chỉ NAFTA, trong đó gay gắt nhất là Mexico, thế nhưng rốt cuộc lại là nước đầu tiên chấp nhận các thỏa thuận mới với ông Trump mà không cần đến sự tham gia của Canada.

Chi tiết về các thỏa thuận đạt được giữa hai bên bắt đầu được đề cập từ phía Nhà Trắng hôm 27/8. Đây cũng là dịp để ông Trump công kích Canada, khi nước này vẫn phản đối việc đàm phán lại các thỏa thuận. Thông điệp đưa ra rất đơn giản: Nếu Canada không ngồi lại với Mỹ, Nhà Trắng sẽ có biện pháp áp thuế để cân bằng thương mại, trước hết là đánh vào ngành công nghiệp xuất khẩu ô tô, vốn là mũi nhọn của nền công nghiệp Canada.

Rõ ràng áp lực đang dồn lên Canada là rất lớn, nhất là với cá nhân Thủ tướng Justin Trudeau. Ông Trump không phải là người dễ nhượng bộ, trong khi các cam kết tính toán lại những thỏa thuận thương mại là một trong các điểm cộng để đưa ông bước chân vào Nhà Trắng. Còn Mexico thì khỏi nói, nền kinh tế nước này phụ thuộc quá lớn vào nước Mỹ. Thậm chí, đồng tiền của cả Mexico và Canada đã rớt giá thê thảm kể từ khi ông Trump tuyên bố xem xét lại NAFTA. Bản thân Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 11 tới; còn ông Justin Trudeau cũng chuẩn bị đối mặt với cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019.

Chẳng ai muốn kết thúc nhiệm kỳ hoặc bước vào giai đoạn tranh cử nhiệm kỳ mới trong bối cảnh nền kinh tế bi bét. Đó có lẽ là lý do lớn nhất mà Mexico chấp nhận những điều khoản mới, nhưng không quá thua thiệt, để thông qua thỏa thuận hợp tác thương mại theo cuộc chơi của ông Trump. Hiệu ứng tức thì, đồng peso lập tức tăng giá khi kết quả thỏa thuận mới được công bố, thị trường chứng khoán quốc nội cũng khởi sắc với màu xanh bao phủ, khác hẳn không khí ảm đạm kéo dài trong suốt gần một năm qua.

“Quả bóng” sang chân Canada

Tín hiệu tích cực còn lan cả sang Canada, dù cuộc đàm phán của nước này với Mỹ chỉ bắt đầu vào đêm 28/8 theo giờ Việt Nam. Đồng đô la Canada lần đầu tiên tăng giá so với đồng đô la Mỹ trong gần một năm qua. Điều đó cho thấy cho dù ý chí không hề muốn, nhưng rõ ràng nền kinh tế Canada (dẫu có nằm trong khối 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới) cũng không thể tách rời ra hoặc quay lưng với Mỹ. Đó cũng là lý do mà Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của ông Trump, nói với báo giới rằng thỏa thuận với Mexico sẽ là gợi ý cho Canada trong cuộc đàm phán cam go tới đây.

Như đã nói, cuộc đàm phán Canada với Mỹ chỉ bắt đầu vào đêm 28/8 theo giờ Việt Nam. Trong ngày 28, khi bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada, đang trên đường tới Washington, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này đã tuyên bố Canada sẽ chỉ ký một thỏa thuận mới tốt cho đất nước.

Không ai biết điều gì sẽ diễn ra trong cuộc đàm phán cuối cùng cho số phận của NAFTA theo luật chơi mới của ông Trump. Canada đương nhiên cũng không dễ chịu lép vế, càng không có chuyện chấp nhận thua thiệt quá đáng. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán không đạt được kết quả vào cuối tuần này, Canada sẽ mất tư cách thành viên chính thức của NAFTA, dù chỉ là tạm thời, khi Nhà Trắng trình lên Quốc hội các kết quả đàm phán đã đạt được với Mexico.

Theo kế hoạch, trong vòng 90 ngày tới, ông Trump sẽ ký công bố thỏa thuận này để Quốc hội phê chuẩn. Đó là thời gian để Mỹ và Canada tiếp tục cân não trên bàn đàm phán, nói đúng hơn là thời gian để Canada cân nhắc, bởi theo như tuyên bố của đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, cánh cửa vẫn luôn mở với Canada.

“Vẫn còn vấn đề với Canada, nhưng tôi nghĩ rằng họ có thể được giải quyết rất nhanh chóng” - Robert Lighthizer tuyên bố với báo chí sau khi kết quả đàm phán NAFTA giữa Mỹ và Mexico thành công. Đây cũng là điều mà nhiều nghị sĩ trong đảng Cộng hòa hết sức quan tâm, bởi dù ủng hộ việc đàm phán lại NAFTA và vui mừng với kết quả tích cực đã đạt được với Mexico, nhưng giới chính khách cũng như các doanh nhân Mỹ đều tin rằng Canada phải là một phần của NAFTA mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.