Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Ngoại giao sẽ lên ngôi

GD&TĐ - Tuần qua, thế giới chứng kiến cuộc đấu khẩu sặc mùi thuốc súng giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa tuyên bố tạm dừng kế hoạch tấn công Guam, chờ hành vi của Mỹ. 

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Ngoại giao sẽ lên ngôi

Những tín hiệu mới cho thấy, ngoại giao sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc giải quyết khủng hoảng vốn có lúc căng như dây đàn.

Khi các bên tuyên bố dùng vũ lực

Ngày 5/8, sau 6 lần áp đặt lệnh trừng phạt mà không ngăn được chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, với 100% tán thành, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết mới chống lại CHDCND Triều Tiên. Nghi quyết này do Mỹ soạn thảo với nội dung cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chỉ, hải sản cũng như cấm tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, cấm các hình thức liên doanh, liên kết với Triều Tiên…

Theo các nguồn tin, nghị quyết trừng phạt mới này sẽ làm Triều Tiên thiệt hại khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/3 doanh thu xuất khẩu của nước này.

Theo các nhà phân tích, đây là nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc nhất với Bình Nhưỡng từ trước đến nay.

Ngay sau khi nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua, phát biểu tại câu lạc bộ golf ở Bedminster, New Jersey, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo: Triều Tiên tốt nhất đừng đưa ra bất cứ lời đe dọa nào đối với nước Mỹ. Họ sẽ phải đối mặt với “lửa và cơn thịnh nộ” mà “thế giới chưa từng chứng kiến”.

Trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi Washington kiềm chế thì ông Donald Trump khẳng định những tuyên bố của ông “chưa đủ độ rắn”, rằng các đòn tấn công còn khốc liệt hơn.

Đáp trả những tuyên bố của Donald Trump, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tấn công những căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam để chứng minh khả năng của mình. Theo kế hoạch này, 4 tên lửa “Hwaseong-12” với tầm bay gần 3400 km sẽ bay qua Shimane, Hiroshima và Kochi của Nhật Bản, sau đó rơi xuống nước trong phạm vi cách đảo Guam từ 30-40 km. Phía Triều Tiên cho biết, kế hoạch này sẽ được hoàn tất vào giữa tháng 8 này.

Theo “Kommersant”, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược của Triều Tiên còn khẳng định rằng một cuộc đối thoại bình thường với một con người như Donald Trump là không thể. Ông ấy chỉ có thể hiểu được bằng cách dùng vũ lực.

Ngoài ra, theo tờ “Rodong Sinmun”, trong bối cảnh căng thẳng leo thang, chỉ trong vòng 3 ngày, 3,475 triệu người bao gồm sinh viên, công nhân trẻ và quân dự bị Triều Tiên đã đăng ký tham gia quân đội.

Sẽ tháo gỡ “ngòi nổ” bằng hoạt động ngoại giao

Cứ như tuyên bố của Donald Trump và Kim Jong-un trong tuần qua thì chiến tranh đã rất gần. Tuy nhiên, nếu theo các nhà phân tích, những tuyên bố đe dọa của Mỹ chung chung bao nhiêu thì tuyên bố của CHDCND Triều Tiên lại cụ thể bấy nhiêu.

Ngày 11/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mettis khẳng định, Mỹ đã sẵn sàng cho một giải pháp quân sự trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, theo lời ông metis thì Washington vẫn nghiêng về giải pháp đàm phán hòa bình. “Nỗ lực của Mỹ là để giải quyết vấn đề bằng phương pháp ngoại giao. Bi kịch mà chiến tranh mang lại ai cũng hiểu…Có thể nói, hậu quả sẽ rất thảm khốc”.

Tuy nhiên, nội bộ nước Mỹ đang chia rẽ khi nói về giải pháp quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Den Salliven nói rằng: Điều 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ có quy định rất rõ ràng. Nếu chính quyền đang xem xét tấn công phủ đầu trên bán đảo Triều Tiên, đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Nhưng nếu Mỹ là người đầu tiên bị tấn công, Trump sẽ có thêm thẩm quyền để đáp trả. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng Donald Trump “không thể để những đe dọa của Triều Tiên vào đời sống nước Mỹ”.

Tờ Financial Times ví cách tiếp cận của Trump với vấn đề Bắc Triều Tiên khiến người ta nhớ lại trò chơi tìm kiếm đồ vật của trẻ con. Khi người tìm ở gần đồ vật thì kêu là “nóng” còn ở xa thì kêu là “lạnh”. Thật vậy, ba tháng trước Tổng thống còn nói rằng có thể mời Kim (Kim Jong-un-ND) đi ăn tối và chiêu đãi món hamburger, còn giờ lại nói: Trừng phạt- Financial Times viết.

Ngày 11/8, đại diện của một số quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc một lần nữa thúc giục Washington và Bình Nhưỡng kiềm chế. Tờ Global Times- phiên bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo cho rằng "Trung Quốc nên trung lập nếu Triều Tiên phóng tên lửa đe dọa cho Mỹ, và phía Mỹ đáp trả lại", còn "Nếu Mỹ và Hàn Quốc sẽ tấn công trong một nỗ lực để lật đổ chế độ hiện hành ở Bắc Triều Tiên và để thay đổi mô hình chính trị của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không cho phép họ làm điều đó". Tờ báo nhấn mạnh rằng "không phải Washington hay Bình Nhưỡng thực sự không muốn chiến tranh. Nó có thể nổ ra do sự thiếu kinh nghiệm để kiểm soát trò chơi nguy hiểm như vậy".

Về phía CHDCND Triều Tiên, tuyên bố của họ cũng đã thay đổi. Trước đó, Bình Nhưỡng khẳng định sẽ nhấn chìm Guam trong biển lửa. Tuy nhiên, sau đó họ tuyên bố rằng tên lửa sẽ rơi xuống biển, cách đảo Guam từ 30-40 km.

Tại sao lại như vậy? Trả lời phỏng vấn tờ "Nezavisimaya Gazeta", người đứng đầu Phòng Hàn Quốc và Mông Cổ, Viện Phương Đông Alexander Vorontsov lưu ý rằng tuyên bố tấn công tên lửa trả đũa của Bắc Triều Tiên "không phải là một cái gì đó hoàn toàn mới, đó là một “dòng liên tục”. Tất nhiên, trong trạng thái căng thẳng cường độ biểu hiện cảm xúc được tăng cường".

Bắc Triều Tiên tính toán ra sao? Theo Alexander Vorontsov, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiểu rằng cán cân lực lượng là không nagng bằng. Nhưng khẩu hiệu của Bắc Triều Tiên là sẵn sàng chiến đấu cho độc lập chứ không phải để tống tiền. Họ hy vọng rằng kẻ thù sẽ không tấn công vì thiệt hại quá cao.

Như vậy, cuộc khẩu chiến giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể căng thẳng đến đâu, nhưng khó có thể xảy ra chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân. Theo các nhà phân tích, căng thẳng sẽ lại lắng xuống, nhường chỗ cho cuộc chiến ngoại giao đang ở phía trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ