Mỹ thử UCAV sát thủ yểm trợ cho F-35

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Không quân Mỹ vừa công bố loạt ảnh thử nghiệm máy bay tấn công không người lái (UCAV) thế hệ mới XQ-58A.

XQ-58A Valkyrie rời bệ phóng bằng tên lửa đẩy.
XQ-58A Valkyrie rời bệ phóng bằng tên lửa đẩy.

Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại căn cứ Không quân Eglin ở Florida từ hôm 15/12/2022 nhưng đến nay mới được công bố.

Chiếc XQ-58A Valkyrie trong vụ phóng thử mang số hiệu 22-104 không cất cánh trên đường băng theo kiểu thông thường mà được đặt trên bệ phóng chuyên dụng và gắn 4 tên lửa đẩy chia đều hai bên hông. Cùng với đó, XQ-58A cũng có kiểu hạ cánh bằng dù.

"Với thiết kế đặc biệt, dòng UCAV XQ-58A Valkyrie có thể hoạt động tốt ngay cả trong điều kiện đường băng sân bay bị đối thủ bắn phá", Không quân Mỹ cho biết.

Dù phần lớn nội dung cuộc thử nghiệm không được công bố nhưng theo tiết lộ của Công ty giải pháp công nghệ an ninh và quốc phòng Kratos (nhà thầu chính của chương trình), XQ-58A đã lần thứ 2 phóng thành công chiếc UAV cỡ nhỏ ALTIUS-600 từ khoang vũ khí trong thân.

Khi tác chiến, XQ-58A có thể thực hiện loạt nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ yểm trợ, làm mồi nhử, thu hút hỏa lực đối phương và sẵn sàng đỡ đạn cho phi đội tàng hình cơ F-22 hoặc F-35 của Mỹ.

Không những vậy, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, máy bay có thể tiến hành tác chiến độc lập như trinh sát, do thám, hoặc thâm nhập vào sâu trong lãnh thổ đối phương để thực hiện tấn công mục tiêu được xác định trước.

Nguyên nhân khiến F-22 và F-35 cần đến XQ-58A là bởi 2 dòng chiến đấu cơ tàng hình này không thể trao đổi thông tin trực tiếp với nhau do chúng sử dụng phần cứng và sóng liên lạc khác nhau.

Khi sử dụng máy bay trung gian liên lạc, các tiêm kích này có thể nhận cùng lúc hai lượng dữ liệu, kết hợp chúng rồi chuyển tiếp cho những máy bay khác trong tầm nhìn, giúp phi công nắm được bức tranh toàn cảnh về vị trí và hoạt động của đồng đội.

Được biết, hệ thống chuyển tiếp và chia sẻ dữ liệu liên lạc của XQ-58A đang được phát triển theo các chương trình gatewayONE và attrictONE.

Nguyên mẫu XQ-58A tham gia thử nghiệm được trang bị hệ thống chuyển tiếp gatewayONE, đóng vai trò dịch thông tin giữa các định dạng dữ liệu khác nhau và phát lại cho máy bay tiếp nhận.

Giám đốc chương trình gatewayONE, Trung tá Kate Stowe, cho biết thử nghiệm vẫn chưa thành công hoàn toàn do không lâu sau khi cất cánh, XQ-58A "mất kết nối và không thể hoàn thành được các mục tiêu thử nghiệm".

Không quân Mỹ hồi tháng 3/2019 công bố video thử nghiệm chiếc XQ-58A Valkyrie mang mã số 15-8001.

Không quân Mỹ và hãng Kratos bí mật phát triển XQ-58A trong hai năm, mẫu UCAV có tầm hoạt động 3.219 km, tốc độ cận âm và có khả năng mang theo vũ khí.

Dù đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm thành công nhưng Không quân Mỹ không tiết lộ thời điểm sản xuất loạt và khi nào XQ-58A chính thức được trang bị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.