Mỹ: Thầy - trò gặp khó vì học trực tuyến

GD&TĐ - Do Covid-19, trẻ em Mỹ phải học từ xa thay vì tới trường. Không chỉ học sinh, giáo viên cũng là người gặp nhiều khó khăn bởi hình thức học tập trực tuyến.

Học sinh Mỹ tham gia học trực tuyến tại nhà.
Học sinh Mỹ tham gia học trực tuyến tại nhà.

Nỗi niềm 

Trong tuần thứ hai của chương trình đào tạo từ xa, Ezra Karpf (6 tuổi) nhấp vào nút “bật tiếng” trên màn hình máy tính để có thể trao đổi với GV. Tuy nhiên, chiếc máy không hoạt động. “Con không thể tự bật tiếng!”, cậu bé hét lên cho đến khi mẹ chạy đến. Buổi học đi vào bế tắc. Cậu bé bất lực khóc trước màn hình.

“Con trai tôi đã khóc nức nở. Nó không muốn quay lại lớp học và không muốn cả lớp nhìn thấy mình khóc”, mẹ của               Ezra - Courtney  Patterson (44 tuổi), ở Silver Spring, Md, chia sẻ.

Khóc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống học đường. Tuy nhiên, chưa bao giờ, hành động khóc của một đứa trẻ lại có một lượng khán giả đông đảo đến thế: GV và phụ huynh. 

Công nghệ - thứ mà rất nhiều trẻ yêu thích, đã trở thành “kẻ tàn phá” trong thời Covid-19. Khi đại dịch kéo dài, Zoom và các nền tảng khác được sử dụng như công cụ truyền tải kiến thức đến người học. Tuy nhiên, một số trẻ cố gắng di chuyển khỏi màn hình khi nước mắt chảy ra. Số còn lại thường quay lưng vào màn hình, kéo áo để lau khô những giọt nước mắt đang trào ra khi nỗ lực học trực tuyến không có kết quả.

Yalda T. Uhls - Trợ lý Giáo sư tâm lý học và Giám đốc điều hành của Trung tâm Học giả và Người kể chuyện tại ĐH California (UCLA) cho biết: “Có rất nhiều điều đang xảy ra đối với bất kỳ ai. Nhưng ít nhất người lớn đã phải trải qua những thảm họa lớn khác. Đối với trẻ em ở độ tuổi đó, việc di chuyển, thể chất, ca hát, nhảy múa, tất cả những thứ đó đều thực sự quan trọng và điều đó đã bị loại bỏ khỏi cuộc sống của chúng”.

Ezra cho biết đã khóc vì cảm thấy như không ai có thể nghe thấy mình. Trong khi đó, cậu bé thích chơi với siêu anh hùng hơn, thay vì học ở nhà. “Em muốn hỏi GV của mình rằng, bao lâu nữa là đến giờ ăn trưa. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ ở nhà có chút nhàm chán. Và, ngồi trong một thời gian dài không vui chút nào”, cậu bé chia sẻ.

Carolina Valdez - Giáo sư giáo dục tiểu học và song ngữ tại Cal State Fullerton (Mỹ), cho biết, dù việc học ở trường diễn ra trực tiếp hay thực tế, những cơn giận dữ và nước mắt vẫn sẽ xảy ra khi trẻ không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản về tâm sinh lý và an ninh.

Cũng theo Giáo sư Valdez, trẻ nhỏ thường không học được cách truyền đạt nhu cầu. Cho dù người lớn có để ý hay không, trẻ em đang tiếp nhận những tin tức về sự hỗn loạn hoặc bất ổn trên thế giới. Trẻ thường nhận thức rằng, mọi thứ không bình thường. Thậm chí, chúng có thể khó ngủ vào ban đêm khi biết bố mẹ căng thẳng. Trẻ cũng có thể chán ăn vì lo lắng.

Trong khi đó, Giáo sư tâm lý học Uhls cho biết, bà khuyên các phụ huynh nên thành thật với con về giới hạn của bản thân và những gì đang diễn ra trên thế giới.

“Người lớn thực sự nên nói chuyện với trẻ về những điều này theo cách phù hợp”, chuyên gia khuyến khích.

Nỗ lực hết sức vì người học

Ezra Karpf muốn được nghe giáo viên dạy trực tiếp.
Ezra Karpf muốn được nghe giáo viên dạy trực tiếp.

Jennifer Morgan - GV mẫu giáo tại một trường học tư thục Cơ đốc giáo nhỏ, ở một khu dân cư giàu có tại San Diego (Mỹ), cho biết, trong những giờ học từ xa hồi đầu năm, HS của cô thường chui xuống gầm bàn, bị phân tâm hoặc đột nhiên quyết định chơi với thú cưng khi đang làm bài.

Nữ GV này nói, những hành động như vậy không làm gián đoạn lớp học quá nhiều. Tất cả HS của cô đều có máy tính xách tay riêng và ít nhất một phụ huynh luôn ở bên. Thậm chí, nhiều phụ huynh vô cùng am hiểu về công nghệ.

Do quy mô lớp học nhỏ, cô Morgan đã có thể nghiên cứu các công cụ giảng dạy để giúp HS của mình hiểu rõ về tình hình hiện tại. Nữ GV này đọc cho trẻ những cuốn sách về đeo khẩu trang và hát những bài về Covid-19, cũng như cách quản lý cảm xúc.

Các chuyên gia nói rằng, loại hình học cảm xúc này nên được đưa vào chương trình giảng dạy trong trường. Nhưng việc cắt giảm ngân sách khiến các trường không thể đầu tư vào việc phát triển chuyên môn như vậy cho GV.

Giáo sư Uhls nói: “Tôi nghĩ rằng, học tập theo cảm xúc xã hội đang trở thành điều ưu tiên hơn trong hệ thống trường học, nhưng các GV hiện tại không được đào tạo về điều đó”. 
Chia sẻ về vấn đề này, GV Morgan cho biết, mặc dù kinh nghiệm của cô đã tốt hơn, nhưng đó là một câu chuyện khác đối với đồng nghiệp ở các trường công lập. Không ít bạn bè của Morgan cho hay, chỉ 1/3 số HS của họ có mặt trong lớp.
Tại trường học của Morgan, lớp học gồm 15 trẻ của cô đã hoạt động bình thường trở lại. Mặc dù không phải học từ xa nữa, nhưng trẻ vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang khi di chuyển trong phòng. Trong khi đó, mỗi bàn sẽ được ngăn cách bởi một tấm nhựa.

Morgan - nữ GV từng dạy tại các trường công lập ở Los Angeles và Pasadena, cho biết: “Tôi nghĩ, tình hình hiện tại đã làm nổi bật sự bất bình đẳng. Bất bình đẳng trong hoàn cảnh gia đình, tình huống tài chính, khả năng ngôn ngữ và công nghệ. Tôi đã nghĩ, nếu mình rơi vào hoàn cảnh này khi còn dạy ở một trường khác, sẽ thật khó khăn”.

Ở nhà, chồng của Morgan - Glenn, phải “vật lộn” để cân bằng giữa việc giảng dạy các lớp văn học, trong khi vẫn có thể chăm sóc cô con gái 9 tuổi - Tess. Trong khi cha giảng dạy một nhóm thanh thiếu niên, cô con gái Tess thường học trên nền nhà. Đôi khi, Tess vỗ vai yêu cầu cha giúp đỡ hoặc nói nhỏ đi.

Morgan và Glenn chia sẻ, Tess mắc chứng tự kỷ, nhưng may mắn là, cô bé chưa có bất kỳ cơn giận dữ nào. Tuy nhiên, Tess rất dễ bị phân tâm. Bởi vậy, Morgan và Glenn thường đưa ra các biện pháp khuyến khích giúp Tess có thể tập trung hơn vào việc học. Họ có thể đưa Tess tới bể bơi hoặc đi ăn.
“Phần lớn thời gian, chúng tôi dỗ dành con bé bằng cách nói: Được rồi, con yêu, con phải truy cập Zoom cho lớp học này”, thầy giáo Glenn chia sẻ.

Theo La Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...