Trung Quốc: Lợi, hại của học tập trực tuyến tại nhà thời Covid-19

Trung Quốc: Lợi, hại của học tập trực tuyến tại nhà thời Covid-19

Ý kiến trái chiều

Tuyên bố từ Bộ GD Trung Quốc cho biết, nền tảng học tập trực tuyến quốc gia được ra mắt vào hôm 17/2 và đã cung cấp tài liệu cho các HS ở trường THCS cũng như THPT. “Nền tảng học tập điện tử sẽ đồng nghĩa với việc cung cấp tài liệu cho người học, nhưng không thay thế việc học trên lớp”, Bộ GD nhấn mạnh.

Song song với đó, các chương trình giảng dạy dành cho HS tiểu học của nước này cũng bắt đầu được phát sóng trên Kênh Truyền hình GD Trung Quốc 4.

Cũng theo Bộ GD Trung Quốc, việc phân chia nền tảng học tập đối với các cấp độ khác nhau nhằm hạn chế thời gian HS tiểu học dành quá nhiều thời gian trên mạng, cũng như bảo vệ thị lực của các em. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn khả năng tắc nghẽn mạng khi quá nhiều HS truy cập cùng một lúc cũng được bộ này chú trọng.

Trước yêu cầu của Bộ GD hồi cuối tháng 1, các cơ quan GD, trường học và cơ sở đào tạo sau giờ học Trung Quốc đã cung cấp cho SV khóa học trực tuyến trong kỳ nghỉ đông, kể từ khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được kéo dài do dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, không ít người học nhận định, chương trình giảng dạy trực tuyến có nhiều hạn chế so với học tập trực tiếp. Mới đây, ứng dụng truyền thông của Tập đoàn Alibaba - DingTalk đã yêu cầu SV ngừng trút giận lên phần mềm, sau khi người học liên tục chỉ trích DingTalk do ứng dụng này được sử dụng để giúp SV tham gia các lớp học trực tuyến.

Các HS - những người hy vọng sẽ có một kỳ nghỉ đông kéo dài, đã bày tỏ giận dữ khi DingTalk cung cấp dịch vụ giúp HS tham gia các khóa học trực tuyến. Sau khi ứng dụng ra mắt các tính năng mới như chấm điểm bài tập về nhà, phát sóng trực tiếp các lớp và phát lại video, Dingtalk đã nhận được nhiều đánh giá 1 sao từ các HS “không nhiệt tình” với việc học. Thậm chí, hàng loạt người trong khoảng 940.000 đánh giá trên ứng dụng đã chỉ trích DingTalk vì phá hỏng kế hoạch nghỉ ngơi của họ.

Trước tình hình này, DingTalk đã đăng tải một video âm nhạc hoạt hình trên trang Sina Weibo và kêu gọi sự đồng cảm từ các “anh hùng trẻ”; đồng thời nhấn mạnh, ứng dụng này không thể chịu được nhiều đánh giá tệ như vậy. “Tôi biết, những anh hùng trẻ tuổi, bạn không hề mong đợi một kỳ nghỉ như vậy, điều đó thật khó khăn với các bạn”, đoạn video nói.

Chia sẻ với truyền thông, Yin Ting - một giáo viên trung học ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cho biết trường của cô đã cung cấp các chương trình giảng dạy trực tuyến trong hơn 10 ngày qua. Tuy nhiên, nữ giáo viên này khẳng định, cô không phải là “người hâm mộ” của phương pháp giảng dạy mới này.

Lý giải về vấn đề này, cô Yin cho hay, không phải tất cả HS đều có tinh thần tự giác cao độ. Do vậy, khi giáo viên không có mặt, các em sẽ rất dễ lơ là trong học tập, khiến hiệu quả của các lớp học trực tuyến không cao.

“Tôi có thể nhìn thấy các HS ghi bài và cung cấp những thông tin cần thiết ngay lập tức nếu tôi giảng dạy trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, tôi không thể làm những điều đó trong các khóa học trực tuyến”, cô Yin Ting nói; đồng thời nhấn mạnh rằng, hầu như không có sự tương tác nào giữa giáo viên và HS khi học trực tuyến.

Liu Yanming - một HS lớp 6 cũng thể hiện sự tán thành trước những ý kiến này. “Em có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lớp học khi giáo viên và bạn học ngồi xung quanh em. Đối với các lớp học trực tuyến, em rất dễ bị phân tâm”, cậu bé nói.

Trái lại, Li Xiao, một HS lớp 5 tại Trường Tiểu học Thực nghiệm Bắc Kinh Triều Dương chia sẻ, em cảm thấy vô cùng tiện lợi khi được tham gia các lớp học trực tuyến. “Em có thể nghe lại phần khó nhiều lần và nhấn tạm dừng bất cứ lúc nào em muốn để ghi bài”, Li cho biết.

Gia sư dạy kèm miễn phí

Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, SV từ các trường CĐ và ĐH tại Trung Quốc đã cung cấp dịch vụ dạy kèm miễn phí cho con em của các nhân viên y tế nước này - những người đang nỗ lực hết sức nhằm chống lại Covid-19.

Theo đó, khoảng 10 trường ĐH tại nước này đang tổ chức cho SV tham gia vào hoạt động tình nguyện, bao gồm Trường ĐH Bách khoa Tây Bắc ở tỉnh Thiểm Tây, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang và Trường ĐH Sư phạm Hà Bắc.

Hơn 50 SV thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Bắc đã trở thành gia sư trực tuyến cho con em của nhân viên y tế ở tỉnh Hà Bắc, cũng như những người đang chiến đấu trên tuyến đầu ở tỉnh Hồ Bắc - nơi xuất phát dịch bệnh.

Theo trường ĐH, những tình nguyện viên này sẽ hỏi ý kiến nhân viên y tế và con họ về nhu cầu học tập cụ thể. Sau đó, SV sẽ lên kế hoạch dành riêng cho từng trẻ, nhằm dạy kèm hoặc giúp giải quyết các vấn đề trong quá trình học thông qua việc gọi video trực tuyến. Một số nhân viên y tế đã chấp nhận sự giúp đỡ và chia sẻ, họ thực sự rất bận rộn và không có thời gian để giúp con làm bài tập về nhà.

Tại Trường ĐH Bách khoa Tây Bắc, hơn 600 SV đã tình nguyện trở thành gia sư. Mặc dù các gia sư tình nguyện sẽ không được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy bài, nhưng họ sẽ dạy kèm và giúp trẻ giải quyết các vấn đề tâm lý có thể gặp phải khi không có cha mẹ ở bên.

“Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi biết mình có thể góp sức vào cuộc chiến chống lại Covid-19”, Zhou Miaolan - SV của Trường ĐH Sư phạm Hà Bắc, chia sẻ.

Zhou đang dạy kèm cho một HS là con của bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Bắc. Cũng theo Zhou, hoạt động tình nguyện này đã giúp cô có thêm một số kiến thức về giảng dạy.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.